Phiên họp bất thường Quốc hội Cuba

Cải cách Hiến pháp, dẫn dắt tương lai

- Thứ Ba, 05/06/2018, 09:07 - Chia sẻ
Cuối tuần qua, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã chủ trì Phiên họp bất thường của Quốc hội nước này, trong đó có nội dung thảo luận vô cùng quan trọng: Cải cách Hiến pháp cho phù hợp với tình hình phát triển hiện nay.

Khởi động thay đổi

572/605 đại biểu Quốc hội đã sôi nổi bàn bạc, khởi động quá trình soạn thảo Hiến pháp mới nhằm thay thế Hiến pháp đầu tiên được thông qua từ năm 1976. Việc sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu pháp lý đi kèm quá trình cải cách kinh tế, xã hội, hội nhập thế giới đã và đang diễn ra tại Cuba kể từ năm 2010 mà không “đảo ngược chủ nghĩa xã hội, đoàn kết dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba”. Bản thân ông Raul Castro, năm 2011, đã lần đầu tiên thông báo về tính cần thiết của cải cách Hiến pháp.

Một trong những thay đổi đáng trông đợi là đưa ra khái niệm mới cho khu vực tư nhân. Theo Tân hoa xã, khu vực tư nhân tại quốc đảo này đã có bước phát triển mạnh mẽ sau khi hầu hết hoạt động kinh tế nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Tới đây, một luật mới công nhận doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ dự kiến sẽ được thông qua. Theo cựu biên tập viên Đài phát thanh Habana Julio Perez, “Cuba phải thực hiện những thay đổi lớn trong Hiến pháp để xác nhận tài sản tư nhân, việc tự làm chủ và các hợp tác xã như một phần của nền kinh tế Cuba”.

Một số chủ đề khác có thể bao gồm trong cải cách sẽ là hạn chế vị trí cấp cao trong đảng và chính phủ không quá hai nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm). Nếu được thông qua, Chủ tịch Diaz - Canel có thể sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo đảng vào năm 2021. Đây cũng là năm ông Castro kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình với tư cách Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba mà ông được tái cử vào Đại hội lần thứ 7 tháng 4.2016.

Tại phiên họp vừa qua, các đại biểu đã thông qua 10 ủy ban thường trực của Quốc hội trong 5 năm tới, với trọng trách đóng góp và giám sát quá trình cải cách Hiến pháp. Quốc hội đồng thời “chứng thực” đề xuất của Hội đồng Nhà nước về việc thành lập Ủy ban Cải cách Hiến pháp với 33 thành viên, trong đó người đứng đầu Ủy ban là cựu Chủ tịch Raul Castro. 

Các nhóm nghị sĩ hữu nghị với các quốc gia khác cũng được các nhà lập pháp “nhất trí”, thể hiện chính sách coi trọng quan hệ với các nước như Nga, Việt Nam, Iran và Trung Quốc. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng phân tích kết quả thử nghiệm phân cấp quản lý hành chính tại 2 tỉnh Artemisa và Mayabeque.

Dự kiến, quá trình soạn thảo Hiến pháp sẽ mất hàng tháng, sau đó dự thảo được đưa ra trình Quốc hội trước khi lấy ý kiến 9 triệu người dân Cuba.

Cải cách trong trở ngại

Năm 2018, Chính phủ Cuba đã đề xuất kế hoạch tăng trưởng kinh tế khá lạc quan, tăng 2% GDP. Thực tế, đất nước vùng Carribe xinh đẹp này phải cải thiện tình hình kinh tế trong bối cảnh Mỹ đang siết chặt lệnh trừng phạt vào Cuba. Kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đảo ngược những tiến bộ đã đạt được dưới thời Tổng thống Obama bằng cách siết chặt lệnh trừng phạt vào tháng 11.2017, trong đó cấm hầu hết người Mỹ được thăm đảo quốc láng giềng. Thực tế, từ năm 1962, Mỹ đã thực hiện cấm vận thương mại toàn diện với Cuba.

Khó khăn kế tiếp là chính trường tại các nước Mỹ Latin hiện có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường chính trị - kinh tế khu vực như khủng hoảng ở Venezuela… Trong khi đó, nền kinh tế Venezuela lại là chỗ dựa của Cuba. Vì thế, việc sụt giảm thu nhập từ xuất khẩu sang nước này đã khiến Cuba gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ treo của mình. Khan hiếm ngoại tệ cùng nguồn cung năng lượng… cũng là rào cản

Bên cạnh đó, Cuba còn phải đối phó với tình trạng hạn hán và hậu quả của những biến đổi thời tiết khắc nghiệt. Mặc dù Irma, cơn bão cấp 5 đầu tiên trong vòng 80 năm qua tại đây, đã tan từ năm ngoái, nhưng sự tàn phá nó để lại cho đến nay vẫn gây trở ngại không nhỏ, đặc biệt cho phát triển nông nghiệp. Trong khi đó, theo đài RT của Nga, Cuba cần phải cải thiện năng lực sản xuất nông nghiệp để có thể tự túc lương thực do họ đang nhập khẩu tới 80% lượng lương thực tiêu dùng…

Những yếu tố bất lợi trên phần nào sẽ càng thúc đẩy cải cách để xây dựng Cuba là “một quốc gia có chủ quyền, độc lập, dân chủ, thịnh vượng và phát triển bền vững”, như lời Chủ tịch Cuba Diaz-Canel phát biểu trước Quốc hội vừa qua.

Linh Anh