Cải cách hành chính - khâu đột phá quan trọng

- Thứ Năm, 21/05/2020, 08:46 - Chia sẻ
Công tác cải cách hành chính (CCHC) từ lâu đã được Quảng Ninh coi là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, trong chỉ đạo điều hành, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, yêu cầu tất cả các cấp, các ngành phải thực hiện tốt, thật sự có chiều sâu. Thành tích mà tỉnh đã được trên bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2019 và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS) một lần nữa chứng minh cho những nỗ lực, sự vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao của địa phương.

Thước đo hiệu quả

Nếu như bộ chỉ số CCHC tiếp tục được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chỉ đạo, điều hành và kết quả CCHC trong triển khai Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Chỉ số SIPAS 2019 lại cho thấy kết quả đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

Theo Bảng xếp hạng vừa được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố, tỉnh Quảng Ninh đã có năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng xuất sắc vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số hài lòng về SIPAS năm 2019. Cụ thể, Quảng Ninh xếp vị trí quán quân bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2019 với 90,09 điểm trên thang điểm 100, tăng 1,03 điểm so với năm 2018. Trong đó, điểm thẩm định đạt 55,81 điểm, điểm đánh giá tác động của CCHC đạt 34,28 điểm. Trong 8 chỉ số thành phần, tỉnh có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, đặc biệt chỉ số Xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá cao nhất toàn quốc với kết quả đạt 7,75 điểm. Đối với điểm chỉ số SIPAS, tỉnh đạt 95,26% mức độ hài lòng, vươn lên đứng thứ nhất toàn quốc, vượt 6 bậc so với năm 2018.


Việc cung ứng dịch vụ công của tỉnh Quảng Ninh được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao
 Ảnh: P.NAM

Nhìn thẳng sự thật để “truyền lửa” cải cách

Kết quả đạt được một lần nữa chứng minh cho những nỗ lực, sự vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao của tỉnh. Bởi lâu nay, công tác CCHC luôn được Quảng Ninh coi là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trong chỉ đạo điều hành, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, yêu cầu tất cả các cấp, các ngành phải thực hiện tốt, thật sự có chiều sâu.

Như chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu, tỉnh thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, 100% các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện phải tăng tính công khai, minh bạch bằng việc giải quyết thủ tục theo phương thức 5 tại chỗ: “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại chỗ". Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện hiệu quả việc sắp xếp tinh giản bộ máy hành chính. Trong đó, đặc biệt như mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở sáp nhập 4 cơ quan Đài PTTH Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh, Báo Hạ Long. Ngoài ra, thực hiện sắp xếp hành chính tại các sở, ngành, địa phương, tỉnh đã giảm được 119 đầu mối, 79 đơn vị sự nghiệp công... Tỉnh Quảng Ninh xác định công tác CCHC công sẽ tiếp tục được chú trọng, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến các cơ sở nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại hơn, người dân được phục vụ tốt hơn nữa.

Với mục tiêu “lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc”, ngay từ năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh (SIPAS), giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, tập trung khảo sát vào các nội dung: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị. Qua mỗi năm, trong đánh giá các Bộ chỉ số này đều có những điểm mới, nhằm phản ánh được khách quan hơn, sát thực tế hơn.

Trong khi đó, với các nội dung thành phần của SIPAS, các đơn vị đã triển khai đồng bộ các cách thức khảo sát như: Phát phiếu khảo sát; qua hòm thư góp ý; đánh giá qua hệ thống mạng internet tại địa chỉ website: dichvucong.quangninh.gov.vn… Đồng thời, thí điểm triển khai ứng dụng điện thoại thông minh. Thông qua đó, người dân, doanh nghiệp được đóng góp ý kiến trực tiếp và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh, sự phục vụ của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước.

Với phương châm “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung cải cách hành chính toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ, tỉnh Quảng Ninh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ. Nền hành chính “phục vụ, phục vụ hơn nữa” chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong sự phát triển ngày một nhanh, mạnh và bền vững của Quảng Ninh.

P. NAM