Tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn

Cách làm của Agribank!

- Thứ Sáu, 22/02/2019, 08:43 - Chia sẻ
Tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn; đơn giản hóa thủ tục, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… là những ưu tiên hàng đầu của Agribank trong thực hiện nhiệm vụ năm 2019. Đây cũng là cách để ngân hàng đẩy lùi “tín dụng đen”.

Báo động nạn vay lãi cắt cổ

Lãi suất “cắt cổ” tính theo từng ngày, giờ khiến nhiều người chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng sau vài tháng phải viết giấy nợ vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Thế nhưng, “tín dụng đen” vẫn có “đất sống” và không chừa một ai. Từ đối tượng chơi cờ bạc, lô đề hoặc đầu tư vào hoạt động bất hợp pháp, đến sinh viên, hộ nghèo thậm chí cả cán bộ công chức đều tham gia vay; và thường đây cũng là những đối tượng có nhu cầu rất cấp bách về tài chính để xử lý các công việc trong đời sống hàng ngày. Nói như Đại tá Phạm Văn Tám (Bộ Công an) thì “tín dụng đen” như những “tên cướp ngày”; nó càn quét ở Tây Nguyên, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cũng không bỏ qua các khu công nghiệp, khu chế xuất và các thành phố lớn.


Mô hình ngân hàng lưu động của Agribank giúp đưa vốn đến gần dân hơn Ảnh: Thái Bình

Sở dĩ “tín dụng đen” tồn tại là bởi các đối tượng cho vay với thủ tục rất nhanh gọn, thuận tiện, dễ dàng, không phải thế chấp. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp bóng dưới dạng cửa hàng cầm đồ, các tổ chức biến tướng huy động vốn với lãi suất rất cao, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp, góp hội, họ, phường, cho vay online… Ngược lại với cho vay, việc đòi nợ của “tín dụng đen” tàn khốc vô cùng. Nếu không trả được nợ thì có bỏ trốn cũng không xong vì “xã hội đen” sẽ tìm đến người thân, bố mẹ anh chị em ruột, cơ quan…  Và, “nó có thể biến nhiều người dân thành chị Dậu thời đại mới” như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng hồi đầu năm.

Trên thực tế, trong 4 năm, từ 2013 - 2017, cả nước có khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo… Riêng năm 2018, cả nước đã có 84 vụ giết người, 855 vụ cố tình gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và trên 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tụng đen. Đây là 1 con số đáng báo động mà đại diện Bộ Công an đã đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 ngành ngân hàng.

Cải tiến và đơn giản hóa quy trình vay

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Agribank trong năm 2019 là tăng hạn mức cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng để giúp người dân thoát khỏi “tín dụng đen”.

Phó Tổng Giám đốc Agribank
Nguyễn Thị Phượng

Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp như: Ban hành quy định lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, trong đó, lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở mức ưu đãi; triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay của ngân hàng, thay vì tìm đến “tín dụng đen”.

Tính đến thời điểm này, Agribank đang chủ lực triển khai 9 chương trình tín dụng gồm: Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn, tổ liên kết; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch… Trong đó, tập trung phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại. Cụ thể, trong số 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện có, Agribank phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ về vay tiêu dùng, vay tín chấp… phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời triển khai các gói ưu đãi lãi suất thu hút khách hàng.

Mỗi năm bằng tài chính của ngân hàng, Agribank dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ sản xuất nông nghiệp; nhiều gói vay có mức lãi suất thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ. Cùng với đó, dịch vụ trực tiếp tại hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng lưu động bằng 600 xe ô tô chuyên dùng, Agribank phát triển nhiều kênh phân phối ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Sau 6 tháng triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, Agribank đã thực hiện được hơn 1 nghìn phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 111 nghìn khách hàng tại địa bàn nông thôn, tổng số tiền giải ngân đạt 624 tỷ đồng. Dịch vụ này giúp người dân thuận tiện trong giao dịch và kịp thời đáp ứng nhu cầu khi người dân cần.

Năm 2019, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu Agribank ưu tiên đó là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “tam nông”. Mục tiêu đó được cụ thể hoá thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… để mọi người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng trong giao dịch thanh toán.

Đức Kiên