Chính sách, pháp luật về hợp tác công tư trong đầu tư công ở một số nước

Các yếu tố then chốt

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 09:49 - Chia sẻ
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công hình thức đối tác công - tư (PPP), nhằm thu hút vốn và công nghệ của khu vực tư nhân vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội. Hình thức đầu tư PPP đã nhanh chóng lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, trở thành một trong những công cụ để các chính phủ thực hiện trách nhiệm với người dân tốt hơn. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, ổn định và minh bạch là yếu tố then chốt trong áp dụng hình thức đầu tư này.

Hợp tác chia sẻ

Kết quả nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tuy đầu tư công là thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng lại gặp nhiều vấn đề trong quá trình triển khai như chậm tiến độ, đội chi phí, bảo trì kém cùng những quan ngại về tham nhũng… Trong khi đó, đầu tư theo hình thức PPP có thể giúp tăng hiệu quả so với hình thức đầu tư công truyền thống, cho phép mỗi đối tác tập trung vào làm những việc từng bên làm tốt nhất. Trong đó, khu vực tư nhân có thể mang đến cách tiếp cận mới, công nghệ mới; khai thác và vận hành công trình với tinh thần đổi mới sáng tạo; quản trị chuyên nghiệp; gắn trách nhiệm thiết kế, thi công với quản lý dự án để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả dự án; vận hành dự án trên cơ sở yêu cầu đầu ra; tối ưu hóa vòng đời dự án; nguồn và cách thức thu xếp tài chính khác nhau cho dự án.

Mặc dù vậy, IMF cũng cho rằng, đầu tư công theo hình thức PPP có thể tạo ra rủi ro tiềm ẩn với tài khóa và cách tiếp cận sai sẽ đẩy mức độ rủi ro lớn hơn. Nhằm giảm thiểu rủi ro này, IMF khuyến nghị, cần có khung khổ luật pháp và chính sách rõ ràng cho việc thực hiện PPP. Việc lựa chọn và thẩm định dự án cần được tiến hành hài hòa trong quá trình xác định danh mục dự án hạ tầng công; đánh giá kỹ hiệu quả và tác động tài khóa của các dự án PPP. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và thực hiện giám sát đối với từng dự án; xây dựng năng lực cho cơ quan nhà nước trong quản trị các dự án PPP.

IMF và nhiều chuyên gia quốc tế khác còn nhấn mạnh, cách để giảm thiểu rủi ro cho nhà nước chính là chia sẻ rủi ro một cách hợp lý, chứ không phải đẩy hết rủi ro về một bên. Bản chất của PPP là hợp tác chia sẻ rủi ro nhằm đưa ra dịch vụ với giá và chất lượng tốt nhất. Hợp đồng PPP được thiết kế trên cơ sở xác định rõ ràng ai chịu trách nhiệm cho từng rủi ro. Nguyên tắc phân bổ rủi ro trong PPP là từng loại rủi ro cần được phân bổ cho đơn vị phù hợp nhất để giảm thiểu chi phí; không cần phân bổ toàn bộ rủi ro bởi rủi ro không được chuyển giao cho đúng đối tượng sẽ phát sinh các rủi ro mới; bảo đảm tính linh hoạt, bên nhận rủi ro được quyết định hình thức quản lý rủi ro tương ứng; bảo đảm cơ chế phân bổ rủi ro được phản ánh trong các điều khoản của hợp đồng PPP.

Cần khung khổ pháp lý phù hợp và  ổn định

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, khuôn khổ pháp lý về PPP rất khác nhau, có thể bao gồm các quy định cụ thể về PPP, chính sách về PPP, hoặc ở phạm vi rộng hơn khi chính phủ ban hành đạo luật riêng về PPP.

Triển khai PPP dựa trên các quy định, chính sách về PPP mà không ban hành luật riêng về PPP thường ở các nước phát triển, có sẵn một hệ thống pháp luật chặt chẽ như Australia, Anh, Pháp, Hà Lan... Theo mô hình này, hợp đồng PPP được dựa trên các chính sách phát triển nền tảng của chính phủ. Thành công trong áp dụng khuôn khổ pháp lý về PPP như vậy chủ yếu

Trong khi đó, việc xây dựng đạo luật riêng về PPP thường ở các quốc gia đang phát triển, các quốc gia theo hệ thống dân luật, các nước Mỹ Latinh... nhằm thể hiện cam kết chính trị của chính phủ trong chương trình PPP; đồng thời, tránh những xung đột, mâu thuẫn với các pháp luật chuyên ngành khác. Một số quốc gia đã ban hành các đạo luật về PPP (với tên gọi khác nhau như luật PPP, luật nhượng quyền, luật BOT...) gồm Philippines, Indonesia, Nam Phi, Brazil, Chile... Bên cạnh đó, mô hình khung pháp lý PPP kết hợp, ban hành cả luật về PPP và các khung chính sách, quy định cụ thể về PPP, được áp dụng tại một số nước như Canada và Mỹ.

Theo đánh giá của IMF, khung khổ pháp lý về PPP phù hợp, ổn định giúp mang lại sự yên tâm cho khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án dài hạn, có tính rủi ro cao và quy mô đầu tư lớn. Bên cạnh đó, xây dựng khung pháp lý với hiệu lực cao hơn (cấp luật) góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dự án, khắc phục được các tồn tại, bất cập do khâu thực thi. Nhìn chung, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, xây dựng khung pháp lý phù hợp, ổn định, đầy đủ và minh bạch được coi là nhân tố quan trọng và có ý nghĩa tiên quyết trong việc bảo đảm thành công thực hiện đầu tư theo hình thức PPP.

Nhật An