Giáo dục đại học thời 4.0

Các trường mở nhiều ngành học mới

- Thứ Ba, 29/01/2019, 08:00 - Chia sẻ
Hiện nay, các trường đại học đã bước vào cuộc đua cho mùa tuyển sinh năm 2019. Nhiều trường mở ngành học mới nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Chú trọng công nghệ và ngoại ngữ

Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến mở 7 ngành mới, gồm: Phân tích kinh doanh, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh điều hành thông minh, Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản trị khách sạn quốc tế. Tất cả các ngành này đều liên thông quốc tế và được giảng dạy bằng tiếng Anh. GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Đây là các ngành học mang tính liên ngành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số hiện nay. Các ngành mới này được Trường xây dựng dựa trên phân tích nhu cầu của thị trường lao động, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và các trường đại học đối tác”.

Cũng trong xu thế đón đầu yêu cầu nhân lực của cuộc Cách mạng 4.0, nhiều trường đại học không chỉ đưa ra nhiều ngành mới mà chương trình đào tạo truyền thống được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao, sử dụng công nghệ số để đáp ứng yêu cầu chuẩn mực và hội nhập quốc tế. Từ vài năm trở lại đây, Học viện Nông nghiệp đã thành lập các vườn ươm công nghệ, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng đổi mới tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường thời gian thực hành cho sinh viên tại doanh nghiệp để ra trường có thể tiếp cận công nghệ, đáp ứng yêu cầu… Hiện nay trường đã cung cấp tới 60% nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp Việt Nam, Lào, Campuchia và 1 số nước châu Phi. 

GS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Hiện nay, trong chương trình đào tạo của nhà trường đều chú trọng đưa kiến thức về công nghệ thông tin, về hội nhập để sinh viên nắm được. Cùng với đó, nhà trường tăng cường kết nối với các trường đào tạo trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra sinh viên được giao lưu, trao đổi học tập ngắn hạn, mở rộng ứng dụng công nghệ”.

Nhà trường cũng phải đổi mới

  Là doanh nghiệp thường xuyên phải tìm kiếm nhân lực, ông Trần Văn Hải, Giám đốc Công ty CP Truyền thông số Vdata cho rằng, bằng cấp và kiến thức sinh viên được trang bị khác biệt nhiều so với thực tế của công việc, điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực. “Thông thường phải qua 1 bước đệm thời gian đào tạo lại 3 tháng các bạn mới làm được việc. Do đó, nếu các trường đào tạo đi trước hơn một chút như hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp đỡ vất vả hơn”, ông Hải nói.

Cùng với việc phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, sinh viên cũng không chỉ có kỹ năng của 1 ngành mà còn được trang bị tích hợp nhiều kỹ năng. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng mà Cách mạng 4.0 đòi hỏi ở người lao động. PGS.TS. Hoàng Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều ngành mới ra đời, đồng thời cũng có quá nhiều ngành cũ mất đi. Vì vậy, các cơ sở giáo dục phải chuẩn bị hành trang tổng hợp cho sinh viên, đào tạo liên ngành liên nghề. Kiến thức chưa đủ, mà cần có kỹ năng tổng thể.

Bên cạnh đó ông Lê Trường Tùng, Tổng giám đốc Học viện Quốc tế FPT cho rằng, “chính nhà trường là nơi đào tạo lực lượng trẻ để sau này các em làm việc trong môi trường 4.0. Do đó, bản thân các trường đại học phải đổi mới theo cách thức 4.0, thay đổi cách dạy thông qua cách học của các em”.

“Xu hướng thế giới đi vào liên ngành và xuyên ngành, không thể chuyển mình ngay lập tức nhưng chúng tôi sẽ đưa vào dần dần từng chuyên ngành để mỗi thí sinh đỗ vào ĐHQG có điều kiện học tốt nhất và phát huy tốt nhất khả năng của mình để đáp ứng được yêu cầu khá rộng chứ không chỉ đơn thuần là theo nghĩa hẹp của ngành trước đây, đáp ứng nhiều yêu cầu tuyển dụng đòi hỏi nhiều kỹ năng hiện nay”, PGS. Nguyễn Văn Thiệp, Phó Trưởng ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ.

Khải Minh