Các tập đoàn, tổng công ty cần phải công khai, minh bạch thông tin để có sự giám sát tốt hơn

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:26 - Chia sẻ
Theo quy định của pháp luật, các bộ, ngành tổng hợp và bộ chuyên ngành đều phải có trách nhiệm trong vấn đề quản lý vốn, tài sản nhà nước thuộc quyền quản lý của bộ, ngành mình - không thể khác được. Chính phủ khẳng định trước Quốc hội là: các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải công khai, minh bạch hoạt động để có sự giám sát tốt hơn. Chậm nhất trong quý III.2012, Chính phủ sẽ ban hành đầy đủ hệ thống văn bản để quản lý tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành hơn và sẽ công khai cho nhân dân; đồng thời, định kỳ hàng năm sẽ báo cáo QH về vấn đề này…

Quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và quan tâm đặc biệt đến các vấn đề xã hội

Như báo cáo chúng tôi đã trình bày, nền kinh tế của chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Cụ thể, quý I, chúng ta vẫn tăng trưởng 4%, nhiều doanh nghiệp bị giải thể, ngừng sản xuất kinh doanh, thất nghiệp lớn trong cả nước. Quý II, tăng trưởng khá hơn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, hàng tồn kho của tháng 5 ít hơn. Tôi cho rằng, đánh giá của nền kinh tế có 3 tiêu chí rất quan trọng. Một là chỉ số phát triển công nghiệp bao gồm sản xuất, tiêu thụ của đất nước, của doanh nghiệp. Hai là xuất nhập khẩu. Ba là tổng mức bán lẻ của nền kinh tế. Căn cứ vào các tiêu chí này, chúng ta trong tháng 5 đã có tình hình tốt hơn về kinh tế so với tháng 4 và đặc biệt là quý I. Đặc biệt là chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số doanh nghiệp phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn. Chính vì vậy, chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt.

Riêng về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, chúng tôi khẳng định rằng sẽ triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, có lộ trình và hạn chế tối đa các vấn đề xã hội phát sinh. Đường lối của Đảng ta là: phát triển kinh tế đi liền với vấn đề xã hội cho nên không thể vì kinh tế mà đổ bể những vấn đề phức tạp cho xã hội. Chúng ta hiểu rằng, bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế là phân bố lại nguồn lực, mang lại hiệu quả cao hơn, trong đó có nguồn lực lao động và phấn đấu để nguồn lực lao động chuyển dịch có hiệu quả hơn và khai thác tối đa tiềm năng lực lượng lao động được sắp xếp trong quá trình tái cơ cấu. Muốn như vậy, phải đẩy mạnh văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Theo nội dung của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, lĩnh vực nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn và chắc chắn quá trình đó chúng ta phải có một bộ phận người lao động mất việc làm và sẽ phát sinh một số vấn đề xã hội. Đi liền với vấn đề này, chúng tôi cũng lắng nghe trong quá trình thảo luận của QH, Đề án chưa dành khoản kinh phí cần thiết để giải quyết vấn đề xã hội. Theo chúng tôi đây là vấn đề rất quan trọng nên phải có nguồn ngân sách để giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình tái cơ cấu. Nguồn đó có thể là ngân sách của chính các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là ngân sách nhà nước chi cho bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện chính sách việc làm, cho đào tạo nghề, các chương trình đào tạo lao động từ cấp xã hội.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã báo cáo trước QH là Chính phủ  có chương trình ODA để hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế. Với quyết tâm đẩy mạnh cơ cấu kinh tế và quan tâm đặc biệt các vấn đề xã hội với những giải pháp cụ thể, dành nguồn kinh phí cụ thể đẩy mạnh giáo dục đào tạo trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Với giải pháp như vậy, chúng tôi tin rằng, trong quá trình tái cơ cấu, vấn đề xã hội sẽ được quan tâm giải quyết. Việc giải quyết này hàng năm chúng ta phải báo cáo với QH, đặc biệt các mô hình tăng trưởng và đề cập đến ngân sách hàng năm của giải quyết vấn đề xã hội trình QH thông qua để làm tốt đề án tái cơ cấu một cách toàn diện.

Chậm nhất trong quý III.2012, sẽ ban hành đầy đủ hệ thống văn bản để quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Theo quy định của pháp luật, Chính phủ là cơ quan hành chính, cơ quan hành pháp quản lý toàn diện KT - XH, quốc phòng, an ninh của đất nước theo quy định của pháp luật. Vì vậy, mỗi một thất thoát, mỗi một hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội, một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm, đến những máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, đến các bộ, ngành đều liên quan rất rõ. Chính phủ nhận thức được vấn đề này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết, đặc biệt đã có một chương trình như QH đã biết, chúng tôi đã báo cáo là sẽ có một chương trình quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.

Công khai, minh bạch hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua tại sao chưa làm được? Chúng tôi trong báo cáo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trình QH khẳng định yêu cầu là tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công khai, minh bạch trong thời gian tới. Sự chậm trễ vừa qua có nguyên nhân khách quan phải chuẩn bị những điều kiện tốt hơn nữa. Khẳng định lần này của chúng tôi trước QH là các tập đoàn, tổng công ty cần phải công khai, minh bạch công bố thông tin để có sự giám sát tốt hơn nhằm góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Chúng tôi xác định rõ, sắp tới cần phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa và ngày mai Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe về nghị định thay thế Nghị định 132 về trách nhiệm quản lý này cho rõ hơn và có bất cứ tổn thất nào về tài sản của nhà nước, của nhân dân là trách nhiệm của Chính phủ trong đó có trách nhiệm của các bộ. Theo quy định của pháp luật, các bộ, ngành tổng hợp và bộ chuyên ngành đều phải có trách nhiệm trong vấn đề quản lý vốn, tài sản nhà nước thuộc quyền quản lý của bộ, ngành mình - không thể khác được. Nghị định thay thế Nghị định 132 phải làm rõ hơn vấn đề này để dễ hiểu, dễ vận dụng. Chúng tôi đồng ý vấn đề này sẽ được báo cáo với Chính phủ và khi tổng hợp sẽ báo cáo QH, vì đây là vấn đề rất lớn. Ở các nước, từng doanh nghiệp nhà nước họ đều có đạo luật riêng. Chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật để làm rõ chủ sở hữu nhà nước, đồng thời định kỳ hàng năm báo cáo QH về vấn đề chủ sở hữu nhằm bảo đảm phát triển vốn trong doanh nghiệp của nhà nước.

Hiện nay, Chính phủ đang nợ 7 văn bản nghị định và chúng tôi cũng báo cáo lại với QH là chậm nhất trong quý III sẽ ban hành đầy đủ hệ thống văn bản để quản lý tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành và sẽ công khai cho nhân dân.

Thời gian tới, đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Trong báo cáo chúng tôi đã giải trình, sau Nghị quyết 986 về nông nghiệp, nông thôn, tổng mức đầu tư của chúng ta vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng 1,95 lần. Trong tình hình tín dụng âm như vừa qua, nhưng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn dương. Sau khi có giám sát của QH về vấn đề tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 7 của Trung ương, chúng tôi nghĩ rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa, khắc phục những tồn tại như Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH. Điều đó sẽ góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân cho khu vực này. Coi vấn đề nông thôn là quan trọng, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này để hoàn chỉnh một số giải pháp, biện pháp thời gian tới để đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như nghị quyết của QH và Nghị quyết 7 của Trung ương.

Chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch là vấn đề rất lớn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sau khi kho chứa áp dụng các thiết bị, máy móc thì tổn thất giảm rất nhiều. Hiện nay ở khu vực Tây Nguyên, cụ thể là Đăk Lăk, thu hoạch cà phê bị tổn thất rất lớn. Chúng tôi cho rằng phải nghiên cứu căn cơ vấn đề này hơn để có biện pháp giảm tổn thất sau thu hoạch của một số nông sản lớn ở Việt Nam về gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu... Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến này. Giảm tổn thất sau thu hoạch là một chương trình lớn, Bộ NN và PTNT phải có trách nhiệm nghiên cứu cụ thể hơn để có giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch.

Về biện pháp khả thi để thu hút đầu tư cơ sở chế biến cho nông dân, chúng tôi cho rằng ý này rất tốt, chúng ta chế biến được tốt thì giá trị gia tăng cao. Vì vậy, các ngành, các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu phải nghiên cứu hướng này. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ tín dụng để có cơ sở chế biến, tạo điều kiện cho nông dân, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Nhân đây xin báo cáo với QH, năm 1990 ngay miền núi 90% đói nghèo, bây giờ còn 24%, đặc biệt những vùng nông nghiệp trong thời gian vừa rồi, quyền lợi của người nông dân rất tốt, như đồng bằng sông Cửu Long hay các vùng khác. Chúng ta có chủ trương đi theo là không để một người dân nào thiếu đói trong điều kiện của nước ta. Nhưng làm sao tăng giá trị gia tăng cho nông sản của chúng ta là một yêu cầu.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
PV Báo ĐBND lược ghi