VẬN ĐỘNG HÀNH LANG Ở MỸ

Các nhóm lợi ích

- Thứ Sáu, 21/06/2013, 08:46 - Chia sẻ
Tại Mỹ, quá trình xây dựng các chính sách và pháp luật chịu ảnh hưởng khá mạnh từ hoạt động vận động hành lang mà những người thực hiện hoạt động này là các nhóm lợi ích. Do đó, cũng có thể nói việc xây dựng các chính sách và pháp luật chịu ảnh hưởng bởi sự tranh giành hay thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích.

Các nhóm lợi ích là tổ chức của những người có cùng quan tâm, cùng quan điểm với từng vấn đề xã hội khác nhau; cố gắng tác động đến việc xây dựng chính sách của Chính phủ và đặc biệt là muốn chuyển yêu cầu của họ thành các chính sách để phục vụ lợi ích của nhóm dân cư có cùng mối quan tâm mà họ là người đại diện. Ngoài ra, “các nhóm lợi ích vận động chính quyền cho những lợi ích của họ chính là biểu hiện của nền dân chủ tự do”. Lời khẳng định đó của Tổng thống Jefferson đã chứng tỏ các nhóm lợi ích có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Mỹ.

Các nhóm lợi ích ở Mỹ ra đời rất sớm và ngày càng phát triển nhanh về số lượng, tổ chức, quy mô và kỹ năng hoạt động. Có hơn 22.000 nhóm lợi ích có tổ chức ở Mỹ, và hàng chục ngàn người đăng ký chính thức làm nghề vận động hành lang tại Washington. Có khoảng 60% dân Mỹ tham gia vào các nhóm lợi ích. Như vậy, sự tham gia của công dân vào chính trị nói chung và quá trình ra quyết định nói riêng là một trong những đặc trưng của hệ thống dân chủ truyền thống Mỹ.

Các nhóm lợi ích có thể được phân chia theo mục tiêu mà họ theo đuổi. Một số nhóm lợi ích ra đời nhằm bảo vệ những lợi ích về kinh tế. Một số là sản phẩm của các phong trào xã hội, phát triển qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử nước Mỹ. Chẳng hạn các phong trào đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc… Một số ra đời nhằm tìm kiếm lợi ích từ Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế và cả lĩnh vực chính trị, tinh thần. Thời gian tồn tại của những nhóm này rất ngắn, xuất hiện khi có các vấn đề nảy sinh, rồi lại biến mất khi vấn đề được giải quyết.

Sức mạnh của các nhóm lợi ích nằm ở lá phiếu ủng hộ cho các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử vào các chức vụ khác nhau của Chính phủ và những đóng góp tài chính của họ cho các chiến dịch vận động tranh cử thông qua các Ủy ban hành động chính trị (PAC). Hiện nay, các nhóm lợi ích có nhiều ảnh hưởng ở Quốc hội là: Tổ chức nông nghiệp Liên bang Mỹ; Tổ chức công đoàn AFL - CIO; Liên đoàn người tiêu dùng Mỹ (Consumer Federation of America Conservative Union)… Các nhóm lợi ích này thường ảnh hưởng tới các nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, do đó, trong không ít trường hợp, lá phiếu của các nghị sỹ thể hiện tác động của các nhóm lợi ích hay của các khu vực hơn là của đảng phái. Các nhóm lợi ích này thực hiện chức năng thể hiện quan điểm và đại diện cho lợi ích của các nhóm riêng biệt trong xã hội. Ngoài ra, còn cung cấp nhiều thông tin và kiến thức chuyên biệt về việc bố trí, sắp xếp những thiết chế chính thức.

Nước Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ bê bối do các nhóm lợi ích thao túng, nhưng lịch sử chính trị Mỹ cũng có rất nhiều ví dụ về những ảnh hưởng tích cực của các nhóm lợi ích với chính sách: Vào cuối thập kỷ 90, dưới sự lobby của các tập đoàn dược phẩm hùng mạnh, việc nhập khẩu thuốc theo đơn vào Mỹ rất ngặt nghèo. Không chịu nổi giá thuốc leo thang, các cụ già vùng Đông Bắc Mỹ, dưới sự tổ chức của các hội hưu trí, đã đi xe bus sang Canada mua thuốc (trái phép). Phong trào bất tuân dân sự này ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính quyền. Dù cuộc chiến pháp lý giữa các tập đoàn thuốc và người tiêu dùng còn tiếp diễn, nhưng hàng loạt tiểu bang đã mặc cả với các hãng thuốc để giảm giá cho người nghèo hay nới lỏng quy định nhập khẩu thuốc.