Vai trò của Thư viện Quốc hội

Các mô hình thư viện Quốc hội

- Thứ Sáu, 30/08/2013, 08:53 - Chia sẻ
Thư viện Quốc hội - một trong những cơ quan giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho Đại biểu Quốc hội. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của Quốc hội của từng quốc gia mà Thư viện Quốc hội có thể có những vị trí khác nhau trong bộ máy giúp việc cho Quốc hội. Thông thường, Thư viện Quốc hội được xây dựng theo ba mô hình: đơn vị hoàn toàn độc lập trong bộ máy giúp việc của Quốc hội, đơn vị cấp vụ trong bộ máy giúp việc; đơn vị cấp phòng trong bộ máy giúp việc.

Thư viện Quốc hội là một đơn vị độc lập

Ở các nước có Quốc hội quy mô lớn, Thư viện Quốc hội được thành lập như một đơn vị độc lập trong bộ máy giúp việc của Quốc hội. Điển hình nhất là Quốc hội Hoa Kỳ. Thư viện Quốc hội được thành lập vào năm 1800 bởi Sắc lệnh của Tổng thống John Adams. Đến năm 1802, Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson ban hành đạo luật đầu tiên về thiết lập cơ cấu Thư viện Quốc hội, quy định Tổng thống bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Thư viện Quốc hội và thành lập một Ủy ban Lưỡng viện về Thư viện nhằm giám sát và thiết lập nội quy cho thư viện. Tới nay, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ với trụ sở gồm ba tòa nhà đóng tại Thủ đô Washington, là thư viện lớn nhất theo diện tích để sách và một trong những thư viện quan trọng nhất trên thế giới. Thư viện Quốc hội là một đơn vị độc lập so với Ban thư ký của Nghị viện và đồng thời đóng vai trò là thư viện Quốc gia, cơ quan đăng ký và quản lý bản quyền của Hoa Kỳ.

Đi theo mô hình thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Thư viện Quốc hội Nhật Bản - tiền thân là Thư viện Hoàng gia (1872), được chính thức thành lập tháng 2.1948, khi Quốc hội Nhật Bản ban hành Luật Thư viện Quốc hội. Trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của thư viện. Thư viện cũng được chia thành các tòa nhà khác nhau, phụ trách từng lĩnh vực riêng biệt như: Thư viện chính Tokyo, Thư viện Kansai và Thư viện quốc tế về văn học thiếu nhi. Thư viện Quốc hội Nhật Bản cũng độc lập so với Ban thư ký của Quốc hội.

Ở Hàn Quốc, Thư viện Quốc hội là một trong bốn cơ quan giúp việc độc lập của Quốc hội. Theo đó, bộ máy giúp việc của Quốc hội Hàn Quốc gồm Ban thư ký Quốc hội, Thư viện Quốc hội, Văn phòng Ngân sách và Cơ quan dịch vụ Nghiên cứu.

Thư viện Quốc hội là một đơn vị cấp vụ thuộc bộ máy giúp việc

Ở nhiều quốc gia khác, Thư viện Quốc hội được thành lập với vị trí là một đơn vị tương đương cấp vụ trong bộ máy giúp việc. Chẳng hạn như ở Australia, Thư viện Quốc hội là một đơn vị cấp vụ trong bộ phận giúp việc chung cho cả hai viện (Hạ viên và Thượng viện) của Quốc hội. Mô hình này cũng được áp dụng ở nhiều nước như Đan Mạch, CHLB Đức...

Thư viện Quốc hội là đơn vị cấp phòng

Thường ở một số quốc gia có bộ máy giúp việc có quy mô nhỏ thì Thư viện Quốc hội chỉ giữ vị trí là một đơn vị cấp phòng trong bộ máy giúp việc cho Quốc hội.

Chẳng hạn như ở Indonesia, Trung tâm thông tin được thành lập năm 1994 bởi Sắc lệnh số 13 năm 1994 của Tổng thống Indonesia về cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký mà Trung tâm là một bộ phận trong đó. Sắc lệnh này cũng quy định cơ cấu của Trung tâm bao gồm bốn phòng: phòng thiết bị, phòng thông tin, phòng nghiên cứu, phân tích, phòng thư viện và phòng văn kiện. Hay như ở CHDCND Lào, Trung tâm thông tin và thư viện của Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết 58/KPJ ngày 25.7.2000, trong đó Phòng thông tin và thư viện và một số phòng ban khác đóng vai trò là đơn vị chuyên môn. Còn ở Thái Lan, Nghị viện – cơ quan lập pháp chia thành Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Theo quy chế Nghị viện 2002 về tổ chức Văn phòng Ban Thư ký Hạ viện, một trong những chức năng của Phòng Dịch vụ học thuật là phụ trách dịch vụ Thư viện Nghị viện.

Hồng Minh