Các hoạt động tiêu biểu giảm chất thải nhựa trong ngành y tế

- Thứ Năm, 03/10/2019, 14:40 - Chia sẻ
Chất thải nhựa đang hàng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, bởi đặc tính bền và khó phân hủy. Nhìn rõ tác hại và mối nguy cơ, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động tiêu biểu nhằm giảm chất thải nhựa trong ngành.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngày y tế được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng, trong đó, có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày và ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao...

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày. Chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Nhìn rõ tác hại và mối nguy cơ của chất thải nhựa, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đơn cử như từ năm 2018, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Bộ Y tế đã có Công văn số 1505/MT-YT gửi các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế và Công văn số 1506/MT-YT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai phong trào. Hay mới đây, thực hiện lời kêu gọi cả nước chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 29.7.2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và bước đầu thu được kết quả tích cực.

Sở Y tế và các cơ sở y tế đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở. Tại tỉnh Bình Định, từ tháng 12.2018 - 3.2019, các cơ sở y tế tại tỉnh đã xây dựng và triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của từng đơn vị, thực hiện việc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Các cơ sở y tế cũng đã thu gom, phân loại và giao cho các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý gần 73.340kg chất thải nguy hại; 6.500kg chất thải nhựa có thể tái chế.

Hay tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai nhiều biện pháp giảm phát sinh rác thải nhựa từ đầu nguồn như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết.Bệnh viện cũng đưa ra các khẩu hiệu hành động như “Hạn chế phát sinh - phân loại đúng - thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý - xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc: 3R = Reduce - Reuse - Recycle là Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế.

Vân Phi