Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ:

Các dự báo phục hồi đều phụ thuộc vào công cuộc chống dịch Covid- 19

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 21:34 - Chia sẻ
Sau thiệt hại nặng nề do dịch Covid- 19 từ đầu năm 2020, ngành vận tải đường bộ lại phải đối diện với làn sóng dịch Covid- 19 lần thứ hai. Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội BÙI DANH LIÊN, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vận tải lớn đang ở mức “cầm cự”, còn các doanh nghiệp vận tải nhỏ và vừa đã "trên đà" phá sản, giải thể.
nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội BÙI DANH LIÊN
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên
Nguồn: ITN

Lượng hành khách tại bến xe giảm 20-30%

- Dịch Covid 19 lần thứ 2 tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, thưa ông?

- Dịch Covid-19 đang có diễn biến rất phức tạp, lan nhanh từ Đà Nẵng ra Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương..., nhiều tuyến xe khách cố định đến các tỉnh có vùng dịch đã bị dừng hoàn toàn, nhu cầu đi lại của người dân cũng trở nên hạn chế.  Nhiều tỉnh, thành chưa yêu cầu tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách nhưng lượng khách cũng sụt giảm đáng kể. Những ngày qua, lượng khách tại các bến xe lớn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã giảm từ 20 - 30%.

Dịch Covid- 19 lần thứ 2 đẩy ngành vận tải vốn đã khó khăn do đợt dịch Covid- 19 hồi đầu năm nay lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ, vẫn chưa được hỗ trợ nhiều từ Chính phủ, hiện đang trong tình trạng vô vùng chật vật, nhiều doanh nghiệp đã giải thể.  

- Để chia sẻ khó khăn với các đơn vị kinh doanh vận tải, theo quy định của Bộ Tài chính, từ nay đến hết năm 2020, phí bảo trì đường bộ đối với xe khách, vận tải hàng hóa giảm 10-30% so với quy định áp dụng trước đó. Theo ông, liệu mức giảm này đã đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hay chưa?

- Tôi cho rằng, việc Chính phủ, Bộ Tài chính có các giải pháp giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn là một việc làm hợp lý, tích cực trong bối cảnh dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, tôi cũng rất băn khoăn, nếu nhìn ở khía cạnh khác, nếu giảm phí bảo trì đường bộ thì lại gây khó cho ngành vận tải. Nguồn phí bảo trì đường bộ hiện nay đã hạn hẹp, thiếu nghiêm trọng, song giảm thì lại càng khó khăn trong việc bảo trì cầu đường. Phí bảo trì đường bộ cũng được phân bổ cho các địa phương, Ban An toàn giao thông các tỉnh căn cứ vào thực trạng cầu đường của địa phương để phân bổ kinh phí đó trong cả năm từ đó nâng cấp cầu đường. Hàng năm đã lên kế hoạch, đã căn cứ số phương tiện phải đóng phí báo trì, lên kế hoạch Trung ương, địa phương chi bao nhiêu, tuyển dụng bao nhiêu lao động, chi phí vật tư như thế nào, vật tư dự phòng ra sao khi cầu đường bị tác động bởi thiên tai. Lúc đấy lấy từ ngân sách nhà nước lại rất khó khăn.

Lượng khách tại các bến xe lớn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã giảm từ 20 - 30%
Nguồn: ITN

Nên tiếp tục có các chính sách giảm lãi suất, giãn nợ, thuế VAT, giảm phí BOT

- Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải gặp phải như ông đã nêu, theo ông, doanh nghiệp cần phải làm gì trong thời điểm này?

- Đối với các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tính toán rất chi ly, giảm mọi chi phí như các chi phí hành chính, mức lương nhân viên hay tiết giảm nhân sự. Doanh nghiệp muốn duy trì được hoạt động thì bắt buộc phải sử dụng lao động quay vòng, luân phiên người làm người nghỉ, tập trung sang kênh vận chuyển hàng hóa, cầm chừng đợi dịch qua đi.

- Ông có kiến nghị, đề xuất gì với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải?

- Việc kinh doanh khó khăn đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, bên cạnh đó cũng gặp khó khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Vì vậy, thời gian tới nếu có các gói hỗ trợ mới thì cách thức tiếp cận cũng như các thủ tục để được hỗ trợ cần phải nhanh chóng, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được dễ dàng. Nên tiếp tục có các chính sách giảm lãi suất, giãn nợ, thuế VAT, giảm phí BOT từ 3-5% cho xe tải 5 tấn trở lên và cho xe khách từ 16 chỗ trở lên.

Nhiều tuyến xe khách đi đến các tỉnh có vùng dịch tạm dừng hoạt động. Vì vậy, bây giờ chỉ có thể trông chờ vào các giải pháp y tế, nhanh chóng khống chế và không để dịch lây lan trong cộng đồng thì khi đó mới nghĩ đến việc phục hồi ngành vận tải được. Thực tế cho thấy, chúng ta đang trong thời kỳ "đỉnh" dịch nên nếu một vài tháng nữa dịch cơ bản được khống chế thì ngành vận tải cũng phải mất 3-6 tháng để dần phục hồi, và sang năm 2021 mới có thể hoàn toàn khôi phục.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Anh