Các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lớn

- Thứ Hai, 12/08/2019, 15:31 - Chia sẻ
Các địa phương ở Tây Nguyên và Nam Bộ đang tích cực tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa lớn và đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện nay, lực lượng chức năng ở các huyện biên giới tỉnh Gia Lai đang khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra; trợ giúp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống, chăm sóc y tế... cho người dân vùng thiệt hại.

Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương khắc phục thiệt hại; chủ động sử dụng nguồn ngân sách, tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá xác định thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra, đề xuất giải pháp để khắc phục thiệt hại.

Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, ở tỉnh Đắk Nông đã xảy ra mưa lớn kéo dài, làm mực nước các sông, suối, hồ đập lên nhanh. Nhà cửa, cây trồng, vật nuôi của người dân bị thiệt hại nặng nề; nhiều công trình thủy điện, thủy lợi bị mưa lũ tàn phá; tình trạng sạt lở đất, đường giao thông, kênh mương… xảy ra tại nhiều địa phương.


Bộ đội Biên phòng Gia Lai cứu người bị kẹt do mưa lũ. Ảnh: Báo Gia Lai

Tổng thiệt hại do đợt mưa lớn kéo dài (từ 6-11.8) trên địa bàn tỉnh là gần 135 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 5 người chết do mưa lũ, gần 150 nhà dân bị ngập lụt, tốc mái, sạt lở, hơn 20 km đường giao thông bị sạt lở, ngập nước, 14 cây cầu nông thôn bị hư hại, 3 công trình thủy điện (Đăk Kar, Đăk Sin 1, Đăk Ru) bị hư hỏng. Tổng diện tích cây trồng bị ngập lụt, ngã đổ do mưa lũ là gần 1.500 ha.  

Các ngành chức năng đang túc trực 24/24 giờ để theo dõi, xử lý các diễn biến bất thường của mưa lũ. Nhiều hồ đập thủy điện, thủy lợi nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh lân cận (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước) đang được theo dõi chặt chẽ, phòng ngừa các sự cố về an toàn hồ đập, ảnh hưởng tới vùng hạ du.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, từ ngày 6-9.8, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra đợt mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt nặng tại 8/15 huyện, thành phố, trong đó 3 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề là huyện Ea Súp,  Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, trong lũ dữ, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã cứu sống được 8 người dân nước bạn Campuchia.

Đợt mưa lũ đã làm 1 người chết, hơn 900 ngôi nhà bị ngập nước, trên 13.000 ha cây trồng bị thiệt hại, gần 3.400 ha ngô và rau màu các loại, cùng hàng trăm cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm. Về chăn nuôi, có hơn 200 con gia súc, trên 3.200 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 49 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Mưa lũ cũng làm 3 công trình thủy lợi xảy ra sự cố, nguy cơ mất an toàn cao (hồ Đội 6, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp; hồ 201, xã Cư Bur và hồ Ea Nao II, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột). Các công trình này bị hư hỏng nghiêm trọng, nước tràn qua thân đập, sạt lở, xuất hiện mạch nước chân đập. Hàng chục km kênh mương các loại bị ngập, sạt lở.

Toàn tỉnh có 4 km đường giao thông các loại bị sạt lở, hư hỏng, trong đó Quốc lộ 14C bị xói lở hoàn toàn một đoạn khoảng 10 m, 10 điểm bị chia cắt do ngập nước…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chính quyền các địa phương chủ động phương án ứng phó với tình hình mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác xuống các địa bàn bị ảnh hưởng kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân vùng lũ, nhất là tại huyện Ea Súp, vùng trọng điểm mưa lũ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hàng trăm lượt chiến sĩ đến địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột để kịp thời ứng cứu, giúp người dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh cũng cử lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn.

Hiện nay các địa phương vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại; tập trung phòng chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước đảm bảo vệ sinh, xử lý môi trường; đồng thời tập trung khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, đảm bảo đời sống nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh. Các đơn vị quản lý hồ đang thực hiện các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn công trình và nhân dân vùng hạ du.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến trưa 11.8, mưa lũ đã làm 2 người chết, ngập gần 3.000 ha đất nông nghiệp, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Toàn tỉnh có 415 hộ dân trong tổng số 869 hộ dân di dời tránh lũ trong các ngày 8 và 9.8, trở về nơi ở để dọn dẹp nhà cửa. Những hộ còn lại vẫn tiếp tục ở lại nơi lưu trú an toàn và đang chờ nước rút.

Sau 3 ngày lũ tràn về, đến ngày 11.8, chính quyền hai huyện Tân Phú và Định Quán vẫn tiếp tục trực chiến chống lũ và phối hợp với các lực lượng tổ chức giúp người dân khắc phục hậu quả.

Điều đáng mừng là mực nước ở thượng lưu sông Đồng Nai đang giảm dần. Đến chiều 11.8, mực nước tại Trạm Tà Lài tiếp tục xuống, đạt dưới mức báo động II (113 m). Theo đó, mức độ và diện tích ngập tiếp tục giảm dần tại những khu vực thấp ven sông Đồng Nai.

Hiện những khu vực bị lũ cô lập tại huyện Định Quán như Ấp 1 (xã Thanh Sơn) và ấp Hòa Hiệp (xã Ngọc Định) đường sá đã được lưu thông. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả như lau dọn nhà cửa, sửa lại đường sá và chăm sóc vật nuôi. Một số thanh niên khỏe mạnh đã được trở về khu vực bị cô lập để thu dọn, chăm sóc cây cối và vật nuôi được di dời đến nơi an toàn trước đó. Riêng người già, phụ nữ và trẻ em vẫn đang được sinh hoạt tại các nhà nghỉ, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã hoặc tá túc tại gia đình một số người dân không bị ngập lụt.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mặc dù mực nước các hồ ở Tây Nguyên đang giảm nhưng nguy cơ rủi ro còn tiềm ẩn. Do đó, đề nghị các địa phương trong khu vực tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ tăng cao nhằm bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.

Ngoài ra, đề nghị tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả ngập lụt tại huyện đảo Phú Quốc.

Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, cứu trợ, khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực bị lũ quét, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất., mặc dù mực nước các hồ ở Tây Nguyên đang giảm nhưng nguy cơ rủi ro còn tiềm ẩn. Do đó, đề nghị các địa phương trong khu vực tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ tăng cao nhằm bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.

Theo chinhphu.vn