Các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn

- Thứ Năm, 15/08/2019, 17:51 - Chia sẻ
Chiều nay, 15.8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn các ĐBQH.

Báo ĐBND tường thuật Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trân trọng mời độc giả theo dõi:

Thể hiện tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội 

Phát biểu kết luận Phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, đã có 35 ĐBQH chất vấn, 3 lượt đại biểu tranh luận và hiện còn 12 ĐBQH chưa được chất vấn, 2 đại biểu chưa được tranh luận. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận Phiên chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Tại phiên chất vấn, đã có 14 bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã cùng tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung và trực tiếp trả lời một số câu hỏi của ĐBQH.

Chủ tịch QH nêu rõ, đây là lần đầu tiên UBTVQH tiến hành giám sát lại đối với các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH. Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn lại ở Kỳ họp thứ Sáu, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của QH; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát. Phiên chất vấn cũng là cơ hội để các thành viên chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp trong thời gian tới. Điều này là hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Nội dung chất vấn bao quát gần hết các vấn đề của đời sống kinh tế-xã hội, liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành. Có những nội dung đã được chất vấn nhiều lần tại các Kỳ họp QH, phiên họp UBTVQH nhưng tiếp tục vẫn là vấn đề nóng, được các ĐBQH quan tâm để chất vấn lại tại phiên họp này. 

Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các ĐBQH, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân. Các ĐBQH đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa được đề cập, làm rõ trong các báo cáo; tích cực tranh luận để đi đến cùng vấn đề. Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã dành thời gian quan tâm và chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. 

Tuy nhiên, Chủ tịch QH nêu rõ, cũng có đại biểu hỏi còn dài, phần trả lời có nội dung còn chưa tập trung, nêu vấn đề nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm.

 Qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH và nội dung chất vấn hôm nay, Chủ tịch QH nhận thấy, bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của UBTVQH trong các nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn của UBTVQH có nhiều điểm sáng, nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. “Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của UBTVQH”, Chủ tịch QH nói.

Tham nhũng vặt - như con đê có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối nhỏ

Trả lời chất vấn của đại biểu về tham nhũng vặt, Phó thủ tướng nêu rõ, bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những “đại án”, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, thì chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng cũng như Nghị quyết của QH, UBTVQH đều nhấn mạnh đến vấn đề tham nhũng vặt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công chức, viên chức, “tuy là vặt nhưng tác dụng không vặt chút nào”. Khẳng định điều này, Phó thủ tướng ví, “như con đê cao to, hùng vĩ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, có tác động làm phá hoại đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp. 

Thực hiện chủ trương của Trung ương, QH, UBTVQH, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo nhau, cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật, của cả “anh” thực thi và “anh” kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tránh chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu từ chỗ pháp luật. 

Thứ hai, hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, cố gắng ứng dụng cung cấp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công lên cấp độ 4, là trả tiền bằng mạng, thì lúc đó mới ngăn được người thực thi và người cung cấp dịch vụ công tham nhũng vặt, Phó thủ tướng nói. Chúng ta cũng có hệ thống kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin, camera giám sát và các hình thức khác.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao, nhất là bổ nhiệm cán bộ đứng đầu, những trưởng đoàn. 

Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân với các phương tiện truyền thông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả người được dịch vụ công phục vụ và người cung ứng dịch vụ công là cán bộ, công chức, viên chức, thay mặt cho Đảng và Nhà nước. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22.4.2019 và tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề này, chúng ta chấn chỉnh nhũng nhiễu, sách nhiễu và vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực này và tới đây sẽ tạo ra một số chuyển biến, Phó thủ tướng nói.

Ảnh: Quang Khánh

Vai trò quan trọng là khâu thực hiện

Trả lời các chất vấn về phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ luôn quan điểm ĐBSCL có vị trí chiến lược về KT-XH, quốc phòng - an ninh, và về nông nghiệp là cứ điểm chiến lược, nên tập trung đầu tư ở đây.

Trong 5 năm qua, tổng đầu tư ngân sách cho khu vực này đứng thứ 3 trong 6 vùng, chiếm 16,9%. Và nếu tính riêng phần ngân sách Trung ương hỗ trợ đứng thứ 3, với 18,26%. Như vậy, số vốn bố trí cho khu vực này không phải quá thấp, song do vùng này có điểm xuất phát điểm hạ tầng thấp, chia cắt, địa chất yếu, suất đầu tư cao, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, suất đầu tư vốn không cao do điều kiện này càng thấp hơn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Phó thủ tướng nêu rõ, ý thức vấn đề này, trong Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu có chương trình riêng về đầu tư hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Trong 5 năm tới sẽ tập trung đầu tư dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết tiểu vùng, kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh kể cả đường bộ, đường thủy, đường sông, hàng không và đường sắt.

Về đường bộ, Phó thủ tướng cho biết, sẽ phải đầu tư cả tuyến dọc theo hướng Bắc - Nam và tuyến ngang theo hướng Đông - Tây. Về đường thủy, không ở đâu có lợi thế như khu vực này, cứ 1km diện tích có 0,6km sông, rạch suối, thích hợp thực hiện logistics, kết nối với các nước lân cận.

Về hàng không, có thể nghiên cứu mở thêm một số đường bay mới kết nối cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sớm nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc. Với đường sắt đang điều chỉnh quy hoạch. Tới đây sẽ đầu tư thích đáng. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vùng phải xây dựng danh mục đầu tư ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến năm 2025.

Trước mắt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 2.146 tỷ đồng cho tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, bố trí Mỹ Thuận - Cần Thơ 920 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm nay. Để bố trí vốn cho các dự án này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo xây dựng nghị quyết trình trình sang UBTVQH. Khi UBTVQH phê chuẩn chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định phân bổ ngay để cùng với 3 nghìn tỷ đồng vốn của chủ sở hữu, 6 nghìn tỷ đồng vốn của tổ chức tín dụng sẽ cơ bản hoàn thành kết nối, thông tuyến tuyến đường quan trọng này, bảo đảm năm 2021 sẽ lưu thông được.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, ĐBQH đã chỉ ra rất đúng “vai trò quan trọng của khâu thực hiện”, trong đó có vai trò của Bộ GTVT, UBND tỉnh Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ, các Phó thủ tướng sẽ theo dõi việc triển khai công trình này.

Sẽ công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của từng bộ, ngành

Khép lại phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Chính phủ, phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu Ảnh: Quang Khánh

Phó thủ tướng nêu rõ: Các kết luận của QH, UBTVQH rất cụ thể, mốc thời gian gian cụ thể, tạo thuận lợi cho điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng tạo áp lực cho các bộ trưởng, trưởng ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức triển khai nghiêm túc các kết luận… Nhưng tồn tại vẫn còn, trong đó có vấn đề xây dựng pháp luật.

Trả lời làm rõ thêm chất vấn của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn)…, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, dành nhiều thời gian hơn trong các phiên họp thường kỳ, và trong nhiều phiên họp chuyên đề, các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn; trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành rõ rệt hơn. QH yêu cầu các Bộ trưởng tiếp thu, giải trình ở diễn đàn QH nên các bộ trưởng, trưởng ngành không thể thoái thác được. Thủ tướng cũng giao cho các Phó thủ tướng vào cuộc các dự án luật từ khi xây dựng chính sách, cho đến các dự án lần 1, lần 2 khi trình QH. Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc nên có nhiều chuyển biến.

 Bên cạnh đó, Phó thủ tướng thừa nhận, vẫn còn tồn tại, đó là tình trạng trình chậm, chất lượng dự án luật còn hạn chế, việc rút dự án luật ra giảm mạnh nhưng vẫn còn còn nợ văn bản, thông tư (nợ 18 văn bản, trong đó 2 Nghị định hướng dẫn 2 luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 và 16 văn bản hướng dẫn 7 Luật có hiệu lực vào ngày 1.7.2019.

Nguyên nhân nợ đọng, theo Phó thủ tướng, là do chưa tuân thủ quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sự quan tâm chỉ đạo của một số “tư lệnh ngành” chưa đánh giá kỹ khi xây dựng, thời gian cho phép ban hành Nghị định còn ngắn, phần lớn đây là vấn đề khó, phức tạp nên việc soạn thảo còn khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế.

Thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện Chính phủ cũng đang hoàn thiện trình QH tới đây xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ Tám tới. Cùng với đó, sẽ công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của từng bộ, ngành. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc của lãnh đạo Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ. Tập trung tăng cường hơn năng lực xây dựng và triển khai pháp luật của các bộ, ngành.

Công cụ quan trọng để đối phó với rác thải nhựa là thuế, phí

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, con người.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Dẫn chứng “việc trên bàn phiên chất vấn hôm nay không có đồ nhựa dùng một lần, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, “Chính phủ và Quốc hội luôn cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa”. Bản thân Việt Nam đã có luật quản lý tài nguyên môi trường biển và tham gia những hiệp định quốc tế về vấn đề này.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, công cụ quan trọng để đối phó với vấn đề rác thải nhựa là chính sách thuế, phí áp dụng với các loại nhựa một lần. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích vật liệu thân thiện môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội.

“Nếu người dân không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sẽ vừa giảm rác thải, vừa tiết kiệm, đóng góp quan trọng cho thành công chung của chiến lược đối phó vấn đề rác thải nhựa”, Bộ trưởng kỳ vọng. 

Chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê cho tín dụng đen

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) liên quan đến vấn đề “tín dụng đen”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, đây là vấn đề bức xúc của xã hội được nhiều ĐBQH quan tâm, chất vấn. Bộ Công an đã nhiều lần đề ra nhiều giải pháp khắc phục, tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 giải quyết vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong Chỉ thị cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành để thực hiện và Bộ Công an cũng có một chuyên đề riêng để phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Tính 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, lực lượng công an đã khởi tố hơn 436 vụ và 766 bị can liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, khởi tố 214 vụ, hơn 900 bị can liên quan đến tín dụng đen về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm tín dụng đen trên toàn quốc, thống kê làm tan rã 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi. Do trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều chỗ tạm dừng hoạt động và hoạt động một cách có cầm chừng và nhân dân đã cảnh giác với hoạt động này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp, có nơi có lúc gây lo lắng cho nhân dân; lưu ý hoạt động cho vay qua internet, tín dụng đen biến chướng qua không gian mạng, rất khó kiểm soát; tiền ảo và tiền thật thông qua internet để giao dịch tiền tệ.

Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra là nhu cầu cho vay và sử dụng tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn, xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen còn nhiều khó khăn, do tội phạm sử dụng nhiều phương thức “lách luật”; xác định phạm vi dân sự, hình sự còn khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật. Riêng xử lý theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự, hiện nay, cơ quan điều tra Bộ Công an thống kê còn có 21 vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. “Chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan để tháo gỡ”, Bộ trưởng cho biết.

Thời gian tới, Bộ trưởng nêu rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen theo kế hoạch đề ra, không để chủ quan, chùng xuống khi kết quả hiện nay đang trên đà thực thi tốt. Lực lượng công an tiếp tục sử dụng biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát, lên danh sách, đấu tranh triệt phá băng nhóm tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức, nhất là các tổ chức tội phạm. Điều tra, xử lý nghiêm các tội phạm liên quan đến tín dụng đen, mang tính răn đe cao vừa qua lực lượng công an trên toàn quốc và nhiều địa phương triển khai rất tích cực, công tác tuyên truyền vận động đã làm cho nhân dân hiểu rõ nguy hiểm của tội phạm này.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, trong đó thực hiện hiệu quả Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ phân công, phân cấp cho các ngành, trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là phối hợp của ngành ngân hàng, có thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay và có cách quản lý tốt hơn, phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, góp phần quan trọng xóa bỏ tín dụng đen.


Ảnh: Quang Khánh

Về mặt pháp luật, Bộ trưởng cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc pháp luật, không để tội phạm lợi dụng khe hở của pháp luật, làm cơ sở xử lý phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tín dụng đen hiệu quả hơn.

“Chúng tôi cũng đặt vấn đề có hay không sự bảo kê cho các lực lượng chức năng này”. Theo Bộ trưởng, qua điều tra hiện nay “chưa phát hiện trường hợp nào bao che, bảo kê cho tín dụng đen của các lực lượng, kể cả trong lực lượng công an”. “Quan điểm chúng tôi là xử lý nghiêm trường hợp bảo kê, liên quan đến bảo kê, không có vùng cấm nào liên quan đến hoạt động này. Nếu nhân dân, ĐBQH phát hiện, chỉ ra vi phạm pháp luật về hoạt động này thì cứ trao đổi thông tin chúng tôi sẽ tích cực điều tra”, Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan đến vấn đề tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu hàng giả, nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, những loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng, các tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động sản xuất hàng giả, hàng cấm có diễn biến phức tạp, nhất là lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi này, nên đây là khâu rất khó khăn trong quản lý, đấu tranh. Hơn 4.000 website bán hàng điện tử chưa được đăng ký, tiềm năng xuất hiện rủi ro, vi phạm lớn. Tương tự, hoạt động tín dụng đen trên internet đang phát triển, có 26 công ty thành lập website hoạt động theo mô hình cho vay này, quy mô lớn và chúng ta cũng chưa xử lý được, Bộ trưởng cho biết.

Đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá chưa thực sự thực hiện được

Trả lời ở câu hỏi của ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về tình trạng đóng tàu cho ngư dân không bảo đảm chất lượng, gây tốn kém, lãng phí, có biểu hiện vi phạm pháp luật hay không, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Nghị định 67 ngày 7.7.2014 của Chính phủ có nhiều nội dung. Một là tập trung chính sách đầu tư vào phát triển hạ tầng, các thiết chế hạ tầng để phát triển nghề cá. Hai là, chính sách tín dụng, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng để phát triển lực lượng phương tiện công suất lớn để tham gia đánh bắt ở khu Trường Sa với kế hoạch 2.228 chiếc. Ba là, hỗ trợ chính sách bảo hiểm để ngư dân vươn khơi xa để góp phần vừa bảo vệ chủ quyền vừa tham gia quản lý lãnh thổ và hoạt động kinh tế... 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Về chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng để phát triển đội tàu, Bộ trưởng nêu rõ, sau 5 năm các tỉnh duyên hải ngư dân đăng ký là 1.177 phương tiện tàu. Tính đến 30.6.2019 có 1.032 tàu đưa vào đánh bắt, trong quá trình đưa vào sử dụng thì có 20 tàu của Bình Định bị hỏng. Khi xảy ra sự cố, Bộ NN - PTNT, tỉnh Bình Định và các cơ quan liên quan tập trung vào cuộc xác định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đầu tiên, và tập trung vào khắc phục, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất. Cuối năm 2017, thì trong 20 tàu, trong đó có 15 tàu Công ty Nam Triệu và 5 cái của Công ty Đại Dương đã khắc phục xong và đưa vào hoạt động.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng khẳng định, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các công ty đóng tàu. Thứ hai có sự liên quan của cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, trong đó có Bộ NN - PTNN. Cơ quan liên quan trực tiếp đến vấn đề này là Trung tâm Đăng kiểm của Bộ, cụ thể là Tổng Cục Thủy sản. Bộ đã tiến hành kiểm điểm các cá nhân có liên quan, tiến hành cảnh cáo và thu hồi thẻ của 3 cán bộ đăng kiểm của Trung tâm; kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Trung tâm này; kỷ luật khiển trách đối với Phó giám đốc Trung tâm phụ trách về vấn đề này. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công an tiến hành vào cuộc làm rõ những sai phạm để xử lý đúng quy định của pháp luật.

Nhìn chung, “Nghị định 67 đã góp phần tăng số tàu khai thác xa bờ, tăng 20% lực lượng tàu xa bờ, là sự cố gắng lớn, giảm được số tàu khai thác gần bờ 13%. Các chính sách hỗ trợ bảo hiểm ngư dân được thực hiện, ngư dân phấn khởi...”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ trưởng thừa nhận, còn tồn tại, bất cập. Nhiệm vụ lớn nhất trong đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá giai đoạn vừa qua chưa thực sự thực hiện được, mới đầu tư 83/125 cảng cá (66%). Giám sát của UBTVQH đã nói rõ vấn đề này. Đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu; đầu tư 83/146 khu neo đậu (57%)…

Nhà ở người có công: Cơ bản sẽ xong trong năm 2019

Trả lời chất của ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi chính sách xã hội còn chậm, chính sách nhà ở cho người có công chưa dứt điểm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách với người có công là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và là một trong chính sách đang được thực hiện tốt nhất hiện nay. 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Với việc sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã đăng ký với UBTVQH và “cam kết sẽ trình vào tháng 12 để UBTVQH xem xét, quyết định”. 

Về nhà ở của người có công, theo tinh thần Nghị quyết của UBTVQH và Quyết định của Thủ tướng, Chính phủ có giao phân công Bộ Xây dựng chủ trì chương trình này. Bộ Xây dựng cũng phối hợp rất chặt chẽ với Bộ LĐ-TB và XH. Cho đến nay, toàn bộ kinh phí thực hiện 413 nghìn căn nhà hỗ trợ xây mới cho người có công, thì kinh phí đã phân bổ cho tất cả các địa phương, ước tính hơn 80% số nhà đã được triển khai, còn 20% đang hoàn thiện, cơ bản sẽ xong trong năm 2019.

Về lý do chậm, Bộ trưởng nêu rõ, một số địa phương khi Trung ương chưa phân bổ ngân sách xuống cứ nghĩ rằng, kinh phí này phải chờ thực hiện đúng quy trình của Luật Đầu tư công, do đó chậm, khó khăn. Nhưng “khi địa phương báo cáo, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ có văn bản chính thức cho thực hiện, đây là chương trình hỗ trợ, nên giao cho các gia đình chủ động việc này”.

Lý do nữa, theo Bộ trưởng, là một số gia đình người có công khi tính toán thực hiện thì bố mẹ lại di chuyển đến nơi khác, liên quan nhà đó lại giao cho con, cho cháu, nên việc thực hiện phải chờ trên này cho ý kiến. Lý do chậm nữa là một số gia đình xin tính toán thời gian, ngày tốt, giờ tốt, thời điểm tốt… nên xin lùi lại. “Tinh thần xin báo cáo với UBTVQH đến 31.12.2019 sẽ hoàn thành căn bản việc này”, Bộ trưởng khẳng định.

Ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm

Mở đầu Phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của ĐBQH Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn)... về công tác chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tính khả thi của văn bản ban hành chưa cao…

Trả lời chất vấn của ĐBQH Triệu Thị Thu Phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Trong thời gian qua, với sự cố gắng của các bộ ngành, Chính phủ, UBTVQH, QH và ĐBQH, công tác xây dựng pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 2 năm qua, Chính phủ trình QH, UBTVQH xem xét, ban hành 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, có những dự án ban hành kịp thời, có sự thống nhất cao, mang lại tác dụng nhanh chóng. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Ví dụ như “Nghị quyết của UBTVQH giải thích một số điều của Luật Quy hoạch được dư luận đánh giá cao, ngay lập tức tháo gỡ vướng mắc trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hiện nay, giúp thực hiện công tác xây dựng quy hoạch trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định. 

Về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng cho biết, qua rà soát 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được QH thông qua có khoảng 10 văn bản có tiến độ xây dựng chậm. Cá biệt có văn bản trình rất chậm khiến UBTVQH, QH phải thay đổi chương trình hay đưa ra khỏi chương trình. 

Liên quan đến thực hiện công tác thẩm định văn bản pháp luật, Bộ trưởng nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có 20 ngày để thẩm định từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. Nhưng có những dự án luật chỉ thẩm định trong 5 ngày, cá biệt có dự án luật quan trọng chỉ thẩm định trong 3 ngày. Hiện tượng này đã được ĐBQH đưa ra, trong thời gian qua có chuyển biến nhưng chậm. 

Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng cho biết, sẽ thực hiện nghiêm quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản pháp luật, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cũng nêu rõ, vấn đề xây dựng thể chế, trách nhiệm của các bộ ngành được nhắc đến trong 19 nghị quyết phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về bộ trưởng, trưởng ngành, các bộ ngành. Chúng ta cố gắng rồi nhưng cần tiếp tục phát huy, đặc biệt thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng sẽ nâng cao chất lượng hội đồng thẩm định. Bộ cũng sẽ đôn đốc, bám sát các bộ ngành trong quá trình xây dựng dự án luật, trong đó, Bộ Tư pháp đã cử một chuyên gia cao cấp tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). 

Cùng với đó, các cơ quan cần cân nhắc khi đề xuất dự án luật đưa vào chương trình, vì có xu hướng ôm đồm, chưa dự liệu hết vấn đề phát sinh. Một khi đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện. Khi bắt đầu nên bàn định hướng trước, huy động trí tuệ chuyên gia, cơ quan liên quan để làm một mạch, không phải làm đi làm lại. 

Anh Phương - Hà An - Phương Thủy - Hoàng Ngọc