Cà phê "Xin chào" và những nuối tiếc khi thực thi luật pháp!

- Chủ Nhật, 24/04/2016, 14:06 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Mặc dù có sự vào cuộc rất kịp thời của các cấp lãnh đạo các cơ qua báo chí trong việc khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn – chủ quán cà phê "Xin chào" tại địa chỉ thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua sự việc này, có thể thấy, ở một số nơi, dường như các quy định của pháp luật đã được áp dụng một cách tùy tiện và không còn là "kim chỉ nam" đối với người thi hành công vụ.

Sự tùy tiện hay … khởi tố có động cơ?

Theo quy định của pháp luật tố tụng, thì việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, vì nó ảnh hưởng đến những quyền chính trị hết sức cơ bản của công dân. Cụ thể, việc khởi tố vụ án được giao cho Cơ quan điều tra ra quyết định; sau khi có quyết định thì chuyển cho Viện Kiểm sát thực hiện việc kiểm soát. Đối với quyết định khởi tố bị can thì cơ quan điều tra ra quyết định và phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Là một trong những quyết định quan trọng của quá trình tố tụng, chính vì thế một trong những yêu cầu quan trọng nhất việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can là đúng tội. Bởi các quyết định này có tính chất nền tảng cho cả quá trình tố tụng tiếp theo. Vì tính chất quan trọng của các quyết định nêu trên, nên nếu các cơ quan liên quan làm đúng theo những quy định hiện hành chắc không có trường hợp nào bị oan, sai, hoặc không có trường hợp nào bị cho là bị khởi tố có động cơ như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tấn!!!. Ấy vậy, nhưng vì những lý do khó giải bày, công an huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố công dân này chỉ vì này chậm hoàn thành Giấy đăng ký kinh doanh và trước đó đã 2 lần xử phạt hành chính vì những hành vi lỗi khác nhau. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh nổi lên là điểm nóng của tình hình phạm tội, nhất là những tội phạm có tính chất côn đồ, sử dụng vũ khí nóng. Vụ việc nêu trên đã khiến không ít người có suy nghĩ... dường như công an huyện này đã hết việc để làm!?


Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đều được quy định chặt chẽ

Sự việc sẽ như thế nào? Số phận pháp lý của công dân Nguyễn Văn Tấn sẽ ra sao nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cấp lãnh đạo, và khẳng định sẵn sàng vào cuộc của Chủ  nhiệm UBTP QH Lê Thị Nga cũng như các cơ quan báo chí. Và, nếu ông Tấn cũng như đa phần người dân hiền lành không biết gọi ai, kêu ai trước những vấn đề pháp lý của mình thì sự việc sẽ được đẩy lên mức độ nào?. Theo khẳng định của đại diện công an TP Hồ Chí Minh thì hành vi của ông Tấn nếu áp dụng Khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự sẽ bị cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp với báo chí, vị đại diện này cũng khẳng định hành vi của ông Tấn là nguy hiểm đối với xã hội!!!.

Thực tế, đối với một người mở quán ca fe nhỏ để mưu sinh hiếm có người tìm hiểu pháp luật về các thủ tục giấy tờ cần thiết. Ông Tấn không phải là ngoại lệ, và thực tế ông cũng đã được "mở mang kiến thức pháp lý" qua các lần bị lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt hành chính. Nhưng có lẽ bản thân ông không ngờ được rằng, mình sẽ bị truy tố pháp luật. Và, dường như trong nỗ lực hoàn thiện hồ sơ – thực tế là các giấy tờ kinh doanh, điều kiện kinh doanh – của ông không được các cơ quan ghi nhận. Điều đáng nói, ngày hẹn trả hồ sơ đăng ký kinh doanh của cơ quan chức năng chỉ sau 1 ngày so với ngày Công an huyện Bình Chánh xử phạt hành chính ông Tấn lần thứ 2 – cái căn cớ pháp lý được cho rằng đủ điều kiện khởi tố. Thế mới có quan điểm "muốn làm khó dân thì rất dễ".

Một sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật, nếu không nói là có sự lạm quyền nhất định trong vụ việc nêu trên. Hiển nhiên, đây không chỉ là sự việc duy nhất. Bởi trước đó đã cũng có những sự việc tương tự như ba thanh niên đi trộm vịt, mặc dù đôi bên đã thỏa thuận bồi thường nhưng cơ quan công an vẫn khởi tố. Và, rất có thể trong tương lại còn có những vụ việc tương tự.

Sự tiếc nuối

Một sự việc rất nhỏ (hộ kinh doanh cá thể chưa kịp hoàn thiện hồ sơ), rất đơn giản nếu trong quá trình xử lý vụ việc người thi hành công vụ thực hiện đúng những quy định của pháp luật. Nhưng cuối cùng là cả một chuỗi các cơ quan từ công an, viện kiểm sát... phải vào cuộc để… thanh minh, yêu cầu không nâng quan điểm và cuối cùng là sửa sai. Trong khi đó cuộc sống với những vô vàn những điểm nghẽn, điểm tắc, điểm nóng chưa được giải quyết.

Chữ Tâm của người tiến hành tố tụng luôn là một phần rất nhạy cảm  khi thực hiện quyền hành pháp nhất là trong những lĩnh vực tố tụng. Đó còn là sự đồng cảm giữa con người trong mối quan hệ xã hội nhiều chiều, với những lợi ích đan xen. Việc khởi tố ông Tấn đúng sai về mặt pháp lý hồi sau sẽ được phân giải, nhưng rõ ràng chữ Tâm của người tiến hành tố tụng ở đây dường như không còn. Đẩy một người vào vòng tố tụng chỉ vì những quy định chỉ mang tính chất điều kiện cần và đủ và chưa gây thiệt hại gì liệu có thuyết phục được người dân?. Đối với người dân không am tường hiểu biết pháp luật, không quan tâm đến khoản này, điều luật kia ... họ chỉ hiểu theo lẽ thông thường dân dã thì cũng biết rằng đã làm khó, làm khổ dân.

Và cũng rất may cho ông Tấn... cũng may cho các cơ quan liên quan, nhờ sự vào cuộc của nhiều phía, Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân huyện điều tra bổ sung, sau khi ra quyết định tạm hoãn phiên tòa vì Thẩm phán bận công tác đột xuất (?). Sự việc của ông Tấn sẽ khép lại theo chiều hướng nào? Liệu ông Tấn có kiện bồi thường trước những sai sót của cơ quan điều tra, cơ quan khởi tố? Rất có thể, đó là quyền của ông Tấn, quyền này được quy định rõ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hành trình này (nếu có) chắc sẽ rất nhiều gian khổ, nhưng rất cần những người dân như ông Tấn để dóng thêm một tiếng chuông về tính thượng tôn pháp luật làm nền tảng cho mọi hành vi trong xã hội và sự quản lý. Bước tiếp theo của việc trả lại hồ sơ là gì sẽ được các cơ quan tố tụng quyết định, nhưng chắc chắc lần này họ sẽ không còn nóng vội? Và dù sự việc được khép lại như thế nào thì đều mang lại sự tiếc nuối cho chính những người thi hành pháp luật và xây dựng pháp luật.

Nhật Phương