Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 sẽ phủ sóng toàn tỉnh mạng di động 5G

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 09:19 - Chia sẻ
Cà Mau đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, internet băng thông rộng phủ 100% các xã, khu dân cư tập trung; ứng dụng công nghệ tự động hóa, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo phục vụ sản xuất và đời sống.

Ảnh minh họa

Tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; hoàn thiện chính quyền điện tử, triển khai xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Cà Mau ở một số lĩnh vực trọng yếu như: Giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, y tế.

Dự kiến, đến năm 2030, Cà Mau sẽ phủ sóng toàn tỉnh mạng di động 5G để mọi người dân được truy cập, ứng dụng kết nối internet băng thông rộng với chi phí thấp; phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Cà Mau đẩy mạnh phát triển kinh tế số; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số; hình thành một số khu đô thị thông minh tại thành phố Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, có khả năng kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong toàn quốc và hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với những sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2045, Cà Mau có nền nông nghiệp phát triển toàn diện, công nghiệp phát triển; có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông minh; có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Thành phố Cà Mau là đô thị thông minh kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và quốc tế.

Đó là những mục tiêu quan trọng, có tầm nhìn dài hạn được nêu trong Chương trình hành động số 41-Ctr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh, thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Đáng lưu ý là giải pháp liên quan đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh phát triển các lĩnh vực ưu tiên, hội nhập; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội... Đặc biệt, Cà Mau khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông triển khai băng thông rộng chất lượng cao và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số của tỉnh, đẩy mạnh phủ sóng mạng di động 5G trên địa bàn toàn tỉnh, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu của tỉnh kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo tính tin cậy và ổn định. Tỉnh ưu tiên đầu tư các hệ thống thu thập tự động, lưu trữ, xử lý và bảo vệ dữ liệu công; nâng cấp cơ sở hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Địa phương có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số; quan tâm thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, Cà Mau tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tác động đến khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị lãnh đạo các cấp,  ngành, địa phương nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới tư duy và hành động, xem đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, mang tính cấp bách và lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo TTXVN