Góc nhìn văn hóa

Bút phê

- Thứ Tư, 28/08/2019, 07:49 - Chia sẻ
Nhiều thủ trưởng cơ quan có tính cả nể, bất cứ ai có đơn từ xin giải quyết việc gì gửi thẳng đến cũng sẵn sàng tiếp nhận, mặc dù đã có đầy đủ các bộ phận ở dưới thụ lý, xem xét. Vị thủ trưởng nọ cũng ở vào trường hợp như vậy. Mặc dù bận nhiều việc, ông vẫn tranh thủ đọc mọi đơn từ rồi mới chuyển xuống dưới. Điều đáng chú ý là ông chỉ đọc lướt qua, rồi cứ thế chuyển, nhưng cũng có những đơn ông bút phê mấy chữ “chuyển bộ phận... giải quyết”.

Một cán bộ gặp trưởng phòng của mình:

- Báo cáo anh, giám đốc phê thế này, em khó xử quá.

Trưởng phòng đọc đơn rồi nói:

- Thì cứ đối chiếu theo quy định mà giải quyết.

- Nhưng nhiều trường hợp khác giám đốc chỉ chuyển xuống mà không phê gì. Những đơn có phê chắc là mình phải chú ý đặc biệt đây.

- Thôi, thế này, bạn hãy bấm điện thoại hỏi xem ý sếp thế nào về những tờ đơn ông phê.

Nghe lời trưởng phòng, người cán bộ gọi điện hỏi giám đốc, và được trả lời:

- Thì tôi đã ghi bên cạnh là chuyển các bạn giải quyết mà. Tinh thần là cố gắng đáp ứng người ta nếu thấy được, không sai nguyên tắc.

Một câu trả lời có cũng như không, khiến người cán bộ vẫn chưa hết băn khoăn. Nhưng sếp đã cúp máy. Anh ta đành nói lại với trưởng phòng và đề xuất phương án xử lý:

- Báo cáo anh, hay là thế này, ta cứ linh động giải quyết. Chắc sếp muốn được việc nhưng không muốn ký luôn, chuyển xuống cho đúng nguyên tắc đây mà. Ta cần hiểu ý sếp.

- Bạn thông minh đấy. Tôi đồng ý. Cứ như thế.

Thế là tất cả những lá đơn có bút phê của thủ trưởng ở bên cạnh đều được cấp dưới giải quyết, ký “ruồi” đưa lên, mặc dù không phải trường hợp nào cũng đúng nguyên tắc, đầy đủ điều kiện. Người cán bộ nói với trưởng phòng:

- Chẳng thà sếp cứ ký trực tiếp cho xong, đỡ mất thời gian của bọn mình nghiên cứu.

- Như vậy sinh ra các phòng chức năng ở dưới để làm gì?

- Vậy tại sao có đơn thì sếp bút phê, có đơn lại không?

- Bạn cần hiểu những đơn sếp không phê gì có nghĩa chúng ta cứ vô tư trăm phần trăm, ngang bằng sổ thẳng, đúng nguyên tắc mà làm. Còn những đơn có phê thì… cần tế nhị.

***

Trong cuộc sống, có những điều tế nhị, người ta không dễ nói ra. Nhưng trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức của Nhà nước thì ứng xử văn hóa nhất là phải tôn trọng mọi nguyên tắc làm việc, bất kể là ai, và đều bình đẳng trước các nguyên tắc đó. Đã có các bộ phận chức năng độc lập giải quyết công việc theo phân công thì chính thủ trưởng phải thực hiện nguyên tắc do mình đề ra: Không “khéo léo” can thiệp vào công việc ở cấp dưới, trừ những việc mình phải đích thân giải quyết mới được việc. Bút phê như trong câu chuyện trên khiến cấp dưới rất khó làm việc. Đó là một ứng xử rất cần được rút kinh nghiệm trong quan hệ hành chính nơi công sở.

TS. Nguyễn Đình San