Chẩn đoán, điều trị từ xa

Bước tiến về công nghệ

- Thứ Bảy, 23/05/2020, 08:06 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 như một “cú hích” thúc đẩy ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số nhanh nhất có thể. Trong đó, việc đẩy nhanh triển khai những ứng dụng giúp chẩn đoán, điều trị từ xa sẽ trực tiếp giảm tải cho các bệnh viện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cánh tay nối dài của bác sĩ

Theo Bộ Y tế, việc người dân đã đến lịch tái khám nhưng không thể đi sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Đơn cử, những bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp, mỡ máu, có cơn đau ngực nhưng ngại dịch bệnh, trì hoãn đi khám hoặc dùng thuốc, có thể gây nhồi máu cơ tim cấp hay dẫn đến tử vong. Khi triển khai khám bệnh từ xa, tất cả những bệnh nhân này sẽ được các bác sĩ thăm khám trực tuyến bằng một số trang thiết bị y tế tự sử dụng hoặc sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động…

Không chỉ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận tiện, ít tốn kém mà việc trao đổi trực tuyến thông qua hệ thống khám bệnh từ xa, giúp cả bệnh nhân và bác sĩ an toàn hơn, tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp. Mới đây, nhờ có hệ thống y tế từ xa Telemedicine kết nối trực tuyến với các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội mà một bệnh nhân nguy kịch tại Quảng Ninh được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống; một bệnh nhân từ huyện miền núi Mường Khương (Lào Cai) từ vùng nông thôn Nông Cống (Thanh Hóa) đã được trực tiếp chẩn đoán, tư vấn điều trị từ các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, qua nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa Telehealth do Tập đoàn Viettel phát triển.

Cách đây chưa lâu, giải pháp Sàng lọc không tiếp xúc (eScreening) đã được Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội). Giải pháp gồm những tính năng như đa ngôn ngữ (6 ngôn ngữ), đo thân nhiệt, lưu trữ dữ liệu của người nhập dữ liệu, truy xuất lịch sử đi lại và thông tin người nghi nhiễm hoặc nhiễm rất nhanh chóng; đồng thời giúp nhân viên y tế đưa ra hướng dẫn nhanh, chính xác, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Hay tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhờ những buổi tư vấn trực tuyến, các bác sĩ có thể đưa ra những tư vấn phù hợp với từng trường hợp. Theo bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân sẽ hỏi - đáp trực tiếp trên fanpage của bệnh viện hoặc gọi điện đến tổng đài 19006951 để được tiếp nhận câu hỏi, thông tin, hình ảnh cụ thể. Bác sĩ sẽ trực tiếp trả lời qua hệ thống tổng đài hoặc trả lời ở dưới các bài viết đó như phần hỏi đáp. Bệnh nhân hoàn toàn không mất chi phí khi tham gia khám, tư vấn online trên fanpage.


Khám, chữa bệnh từ xa giúp giảm tải cho bệnh viện

Linh hoạt trong thực hiện

Khẳng định đại dịch Covid-19 là khó khăn nhưng cũng là một cơ hội để ngành y tế ứng dụng sâu rộng hơn nền tảng khám bệnh từ xa - thành phần cấu thành của chuyển đổi số trong y tế, song nhiều chuyên gia cho rằng, cần sự linh hoạt trong triển khai thực hiện, bởi nhiều trường hợp chỉ cần bác sĩ nghe, nhìn qua là đã có ngay chẩn đoán và hướng điều trị, cũng có những trường hợp cần phải thực hiện nhiều test (kiểm tra) y khoa mới ra chẩn đoán; có trường hợp bác sĩ đối thoại với bệnh nhân qua camera và cần sự trợ giúp của một nhân viên y tế ở cạnh bệnh nhân.

Chia sẻ về việc triển khai giải pháp Telehealth tới các bệnh viện, Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) Nguyễn Mạnh Hổ cho rằng, khi dự khai trương nền tảng khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng kỳ vọng nền tảng này có thể được triển khai khắp 14.000 cơ sở y tế trên cả nước. Chính vì vậy mà Viettel vẫn tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế. Nền tảng này có thể triển khai nhanh đến các cơ sở y tế trên cả nước nhờ ứng dụng điện toán đám mây.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, khi áp dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, bệnh viện sẽ cập nhật thông tin thông qua các buổi huấn luyện, học tập cách sử dụng cũng như làm quen với việc không khám trực tiếp cho người bệnh mà phải sử dụng các công cụ hỗ trợ. Bệnh viện sẽ xây dựng những quy trình chặt chẽ về chuyên môn, tránh trường hợp bỏ sót chẩn đoán khi không trực tiếp thăm khám.

Cần thay đổi tư duy, thói quen

Theo nhận định của các chuyên gia, để ứng dụng khám bệnh từ xa thực sự đến được với người dân và hệ thống y tế cả nước, đòi hỏi người bệnh phải có điện thoại thông minh đáp ứng được yêu cầu cài đặt phần mềm, trong khi đối tượng bệnh nhân là người cao tuổi, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… chiếm tỷ lệ cao. Hệ thống bệnh viện cần một sự đồng bộ hóa từ tuyến trên đến tuyến dưới đáp ứng việc triển khai mô hình khám bệnh từ xa một cách lâu dài.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết, thách thức của các bệnh viện khi triển khai khám, chữa bệnh từ xa là về hạ tầng cơ sở; nhiều nơi khả năng đầu tư về công nghệ thông tin còn hạn chế, vì nguồn lực không có nhiều. Khó khăn thứ hai là chưa có một thông tư rõ ràng nào để có thể triển khai rộng rãi.

Theo Tổng Giám đốc Viettel Solutions Nguyễn Mạnh Hổ, muốn đạt hiệu quả thực sự, cần phải bảo đảm các yếu tố như có cơ sở pháp lý cho khám, chữa bệnh từ xa. Trong tương lai, việc khám, chữa bệnh từ xa cũng cần có những quy định rõ ràng, đầy đủ, được bổ sung vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Mặt khác, phải có chính sách chi trả từ bảo hiểm y tế tương tự như khám trực tiếp. Bên cạnh đó, các phần mềm, ứng dụng chỉ là một phần, vẫn cần những thiết bị y tế phục vụ thăm khám, đo chỉ số cá nhân tại gia đình với chất liệu và giá thành rẻ có thể chấp nhận được.

“Mặc dù vậy, thách thức lớn nhất vẫn là phải thay đổi thói quen của người dân, của các y bác sĩ từ cách thức khám, chữa bệnh cũ sang phương pháp khám, chữa bệnh mới. Để giải quyết bài toán này, Viettel sẽ phối hợp với các bệnh viện, cơ quan quản lý của Bộ Y tế để chuẩn hóa quy trình khám, chữa bệnh từ xa. Trước mắt, Viettel sẽ mời cơ quan quản lý y tế tham gia đào tạo, tập huấn tại các cơ sở khám, chữa bệnh với quy mô khác nhau để làm mẫu, từ đó xây dựng quy trình khám chữa bệnh, chuẩn hóa và đào tạo với quy mô lớn hơn” - ông Nguyễn Mạnh Hổ khẳng định.

Dương Cầm