Việt Nam tăng 14 bậc trong xếp hạng công khai, minh bạch ngân sách

Bước ngoặt rất lớn

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:44 - Chia sẻ
Việt Nam đã tăng 23 điểm và 14 bậc trong bảng xếp hạng công khai minh bạch ngân sách. Đây được coi là bước ngoặt rất lớn đối với Việt Nam và được quốc tế công nhận. Giám đốc Điều hành Tổ chức hướng tới minh bạch, cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam NGUYỄN THỊ KIỀU VIỄN nhận định, sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách là yếu tố then chốt nhằm đạt được hiệu quả tích cực từ việc minh bạch và công khai ngân sách.

“Rất đáng tự hào”

- Theo khảo sát công khai ngân sách quốc gia (OBI) mới được công bố, Việt Nam tăng 23 điểm và 14 bậc trong bảng xếp hạng. Bà đánh giá như thế nào về kết quả này?

Ảnh: Tuệ Anh

- Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) được coi là chỉ số tin tưởng nhất trên thế giới. Việt Nam đạt 38/100 điểm xếp hạng trong kỳ OBI 2019, tăng 23 điểm so với OBI 2017, trong khi điểm xếp hạng trung bình của 117 quốc gia tham gia khảo sát là 45/100. Như vậy có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có mức độ cải thiện công khai ngân sách một cách tích cực. So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điểm xếp hạng OBI 2019 của Việt Nam đã vượt qua Campuchia và Myanmar.

Cụ thể, điểm xếp hạng về công khai ngân sách của Việt Nam năm 2012 đạt 19/100 điểm, năm 2015 đạt 18/100 điểm, năm 2017 đạt 15/100 điểm. Đến kỳ khảo sát năm 2019, tăng 23 điểm so với kỳ đánh giá năm 2017. Điều này đã giúp Việt Nam tăng 14 bậc xếp hạng.

Có được điều này là nhờ Quốc hội, Bộ Tài chính và nhiều bên liên quan đã công khai kịp thời những tài liệu quan trọng để người dân được biết, có quyền được tham gia và giám sát, bởi vì ngân sách của nhà nước chính là tiền thuế của người dân. Vừa tăng số điểm vừa tăng mức xếp hạng là bước ngoặt rất lớn đối với Việt Nam và được quốc tế công nhận.

- Cách đây 5 ngày, Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) chính thức công nhận Việt Nam đã đáp ứng tiêu chí cốt lõi tối thiểu để tham gia vào câu lạc bộ (nhóm) Chính phủ mở. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta, thưa bà?

- OGP đánh giá qua 4 tiêu chí, bao gồm: công khai minh bạch về mặt thông tin; công khai minh bạch tài sản của quan chức quốc gia; tăng cường tham gia của người dân; cuối cùng là phải công khai minh bạch về mặt ngân sách. Từ trước tới nay, Việt Nam luôn cố gắng trong tiến trình hướng tới Chính phủ mở nhưng có một số tiêu chí chưa đạt được. Mới đây, chúng ta được quốc tế công nhận hướng tới Chính phủ mở là nhờ đã tăng điểm ngoạn mục về chỉ số công khai minh bạch ngân sách OBI 2019. Điều này rất đáng tự hào.

Ảnh minh họa

Hiện nay, câu lạc bộ Chính phủ mở đang có hơn 80 quốc gia tham gia và trong tương lai nhiều quốc gia đang cố gắng được gia nhập vào câu lạc bộ này bởi những giá trị vô cùng to lớn đem lại. Trước tiên là sẽ nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Tiếp đến, trở thành thành viên trong nhóm Chính phủ mở sẽ thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin, những nguyên tắc về minh bạch thông tin, công khai về tài sản của quan chức quốc gia và tiếng nói của người dân được tăng cường, tạo sân chơi bình đẳng cho người dân. Những điều này sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước.

Đặc biệt, tham gia câu lạc bộ Chính phủ mở với hơn 80 nước thành viên tham gia sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho tất cả người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế rằng: “Việt Nam đang cam kết mở, tăng cường quản trị mở - đặt người dân làm trọng tâm, tiếng nói của người dân được lắng nghe”, và chắc chắn sẽ làm tăng cường niềm tin của người dân vào Chính  phủ.

Người dân là trung tâm

- Bà nhận định như thế nào về dư địa để cải thiện mức độ công khai, ngân sách minh bạch trong thời gian tới?

- Mặc dù Việt Nam tăng bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách, đưa nước ta lên vị trí 77/117, nhưng nhìn chung số điểm và thứ bậc của Việt Nam vẫn ở mức trung bình. Sự tham gia của người dân vào tiến trình phê chuẩn ngân sách của Quốc hội còn hạn chế. Người dân ít được tham gia vào việc lập, thực hiện dự toán và kiểm toán ngân sách. Như vậy có thể thấy dư địa để cải thiện công khai, minh bạch ngân sách còn rất lớn.

- Vậy theo bà, làm thế nào để Việt Nam có những bước tiến tích cực hơn trong việc công khai, minh bạch ngân sách?

- Cần khẳng định rằng, sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách là yếu tố then chốt nhằm đạt được hiệu quả tích cực từ việc minh bạch và công khai ngân sách. Muốn ý kiến của người dân được lắng nghe, được phản hồi một cách kịp thời thì cần thay đổi về mặt tư tưởng trong quản trị, quản trị tiến tới nền quản trị mở - đặt người dân làm trung tâm. Cần thay đổi cả về tư tưởng và thể chế; tạo điều kiện để người dân được nói, tiếng nói của người dân phải đến tai những nhà hoạch định chính sách tốt hơn với cơ chế tốt hơn. Trong đó, cơ chế trực tiếp sẽ là đối thoại với người dân ra sao. Chúng ta đang làm tốt rồi nhưng cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, làm thế nào để người dân không thấy việc nói về ngân sách quá kỹ thuật, những bảng biểu được thiết kế làm sao để người dân thấy đơn giản, dễ hiểu và dễ tham gia được. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân rất quan trọng, đồng thời phải tuyên truyền cho người dân có được cơ hội tham gia.

 Tiếp đến, cần sự chủ động của các bộ, ngành, các cấp. Chẳng hạn như, Bộ Tài chính có hành động thí điểm các cơ chế để công chúng tham gia vào quy trình lập ngân sách và giám sát thực hiện ngân sách; tích cực chủ động gắn kết và tham vấn các cộng đồng yếu thế một cách thông qua các tổ chức xã hội đại diện cho họ. Đối với Kiểm toán Nhà nước, cần xây dựng các cơ chế chính thức để công chúng tham gia xây dựng chương trình kiểm toán và đóng góp ý kiến cho các cuộc kiểm toán có liên quan.

- Xin cảm ơn bà!

Tuệ Anh