Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Bước đệm cho nghệ thuật Phục hưng

- Thứ Hai, 12/10/2015, 08:02 - Chia sẻ
Khi mà người ta tin rằng việc sao chép tác phẩm theo mẫu cổ đã đem đến sự mãn nguyện, thì đối với Giotto Di Bondone lại khác. Dường như ông đã phá vỡ hoàn toàn vòng kiềm tỏa của phong cách Byzantine để dấn thân vào một thế giới mới thay đổi hội họa của cả châu Âu những thế kỷ sau. Thương khóc Chúa (Lamentation of Christ), vẽ năm 1306, được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất cho điểm khởi đầu này.

Các nhà nghiên cứu mỹ thuật thường xem Giotto Di Bondone là điểm khởi đầu rực rỡ nhất trong lịch sử hội họa châu Âu, khi nghệ thuật Byzantine dường như đã chiếm vị thế quá vững vàng trong mọi nguyên tắc thực hành. Những bức tranh tôn giáo tràn ngập giáo đường. Chúng được tạo lập nên bởi các đường viền đen và không gian ước lệ hoàn toàn kiểu phương Đông. Nhưng đến Giotto Di Bondone, câu chuyện về không gian đã được mở ra như chuẩn mực mới cho các bức tranh tường sau ông. Lamentation of Christ vẽ năm 1306 ở nhà nguyện Arena của nhà thờ Scrovegni ở Padua, Italy, đã đánh dấu sự thay đổi ngoạn mục trong tư duy sáng tạo, xác lập khác biệt căn bản trong lý tưởng thẩm mỹ Đông - Tây và con đường quay lại với nghệ thuật Hy - La của các nghệ sĩ thế kỷ XV sau đó không xa.


Lamentation of Christ, tranh tường của Giotto Di Bondone, 1306, nhà nguyện Arena, nhà thờ Scrovegni ở Padua, Italy

Để có được cái nhìn khách quan và đánh giá tốt nhất tầm cỡ cuộc cách mạng hội họa mà Giotto mang lại cho châu Âu, không gì bằng việc so sánh tác phẩm này của ông với họa phẩm cùng chủ đề được vẽ vào thế kỷ XIII. Cả hai cùng tả cảnh than khóc bên xác chúa, Đức Mẹ vòng tay ôm lấy đứa con lần cuối, dưới chân Jesus là Thánh John đang khom lưng nắm tay Người như bộc lộ niềm thương xót. Tuy nhiên, các họa sĩ thế kỷ XIII hầu như không quan tâm đến việc diễn tả hình ảnh y như thật đang diễn ra trước mắt, mà họ chỉ làm theo thói quen để có tất cả hình ảnh trong một khuôn hình, dàn đều. Khoảng cách xa gần giữa các nhân vật không thể được xác lập, đến nỗi hình ảnh Đức Mẹ hay Thánh John đã vẽ trên cùng một bình diện, dẫu ý muốn của tác giả là đặt phía sau hình ảnh Đức Chúa.

Ngược lại, tác phẩm của Giotto, thoạt nhìn, những nguyên tắc của nghệ thuật thời Trung Cổ vẫn còn in đậm dấu vết. Các nhân vật vẫn được tạo ra bởi đường viền, nhưng đã trở nên thanh mảnh. Rõ ràng đã có một không gian phân định cho hai nhân vật quay lưng lại với người xem và khoảng sáng trung tâm được tỏa ra từ nhân vật chính là Jesus. Dẫu rằng tỷ lệ thân hình của Đức Mẹ trong thế ngồi chống một chân lên làm điểm tựa cho xác Chúa, người ta như thấy được không gian hút vào vừa vặn cho thân thể đó, cùng với thế dáng cái lưng và bờ vai bà như ấp vào người đứa con và hơi vươn ra phía trước. Một cách thể hiện tình cảm đáng nể phục của Giotto so với việc chỉ diễn tả những nét thũng xuống trên gương mặt quen thuộc của Maria trong chủ đề này. Ngoài ra, đôi tay dang rộng của Thánh John mà cánh tay phía sau chỉ thấy một bàn tay trên vai áo, đối với các tiêu chuẩn của nghệ thuật Trung Cổ trước đó là hết sức phi lý, nhưng rõ ràng trong bối cảnh không gian ở đây, lại vô cùng hợp lý như tạo ra khoảng rộng lùi về phía sau.

Không gian hậu cảnh của bức tranh cũng khác biệt hoàn toàn. Một dải sườn núi như được chiếu rọi của nguồn sáng Thiên Chúa tạo nên đường chéo đối ứng ngược lại với thế nằm của Jesus đã phân ra không gian hậu cảnh cho nền trời màu xanh lam, thiên thần bay khắp bầu trời với thế dáng vươn dài hay hút ngắn. Như vậy, chỉ dựa trên sự ước lệ của chính lối thức thực hành nghệ thuật, nhưng với việc quan tâm đến ánh sáng và chiều hướng, rõ ràng Giotto đã kiến tạo nên các lớp không gian trên cùng mặt phẳng một cách tinh tế. Bởi vậy, bức tranh của ông đã tạo nên dấu ấn quan trọng trong lịch sử hội họa. Thuật ngữ “trước Giotto” và “sau Giotto” được các nhà nghiên cứu mỹ thuật phương Tây sử dụng phổ biến sau này có thể xem như cách thể hiện sự trọng thị đối với những cách tân của Giotto trong nghệ thuật. Thành tựu đó cũng là bước đệm căn bản cho nghệ thuật Phục hưng thế kỷ XV.

Trang Thanh Hiền