Ngày chủ nhật yêu thương

Bước chân không ngừng nghỉ

- Chủ Nhật, 26/08/2018, 09:02 - Chia sẻ
Không màu mè, quảng bá nhưng có sức lan tỏa rộng rãi, “Ngày chủ nhật yêu thương” của Nhóm kết nối yêu thương cứ thế, bình dị đi qua những ồn ào, xô bồ của cuộc sống, mang hơi ấm gia đình đến với người có công, người yếu thế đang sinh sống trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội các tỉnh, thành phố. Mỗi lần như vậy, người đến thấy nhẹ lòng; người ở lại thấy cuộc đời ý nghĩa hơn…

Ý tưởng từ… bữa cơm bao cấp

Vốn hoạt động trong lĩnh vực lao động, xã hội, thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, người có công với cách mạng, người yếu thế nên ông Nguyễn Hồng Ngọc, Chuyên viên cao cấp, Vụ Các vấn đề xã hội thuộc Ủy ban Về các vấn đề xã hội rất hiểu hoàn cảnh cũng như tâm trạng khao khát được yêu thương của họ. Theo ông Ngọc, dù các đối tượng đang được chăm sóc chu đáo trong mái nhà chung của xã hội và cộng đồng nhưng đâu đó, họ vẫn ước mơ về một gia đình nhỏ với những lần ngóng chờ người thân, những bữa cơm ấm cúng với cha, mẹ hay người thân yêu của mình.

Nỗi mong ngóng ấy càng trở nên mạnh mẽ đối với những đối tượng lớn tuổi, đã từng trải qua thời bao cấp. Họ - dù có thể còn minh mẫn hoặc không, nhưng ký ức và sự hoài niệm về những ngày quần tụ với gia đình, những bữa cơm triền miên thiếu thốn và cả những lần được “cải thiện”, “ăn tươi” vẫn luôn ám ảnh. Xuất phát từ mong muốn chính đáng ấy, cùng sự đồng cảm với các đối tượng, ý tưởng “Ngày chủ nhật yêu thương”, với một bữa cơm thịnh soạn do đích thân các thành viên Nhóm chế biến đã ra đời.

“Chúng tôi đã rất may mắn khi “Ngày chủ nhật yêu thương” vừa “manh nha”, đã nhận được ủng hộ của lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội và cá nhân GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội” - ông Ngọc chia sẻ.

Cứ thế, mỗi tháng một lần, dấu chân thiện nguyện của Nhóm kết nối yêu thương lại lên đường, mang “Ngày chủ nhật yêu thương” đến với các đối tượng yếu thế. Hành trang của họ là tấm chân tình, là sự đùm bọc, sẻ chia, là những khoản tiền được trích từ lương, thưởng… Hành trang ấy mộc mạc, giản dị mà ấm áp yêu thương.


Nhóm Kết nối yêu thương với các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4, Hà Nội

Lan tỏa tới mọi tầng lớp

Chính bởi sự mộc mạc, giản dị ấy mà tinh thần “Ngày chủ nhật yêu thương” đã lan tỏa nhanh chóng, mạnh mẽ. Ban đầu chỉ có chừng chục thành viên là các cán bộ trong Văn phòng Quốc hội tham gia, sau tăng dần theo từng tháng. Đến nay, qua một năm thực hiện, Chương trình đã thu hút sự tham gia của 128 thành viên đến từ các cơ quan trong và ngoài Quốc hội. Họ là những nhà giáo, doanh nhân, kế toán, cán bộ tín dụng, là học sinh, sinh viên… Điều đặc biệt, dù không cùng lĩnh vực công tác, dù cách biệt cả về tuổi tác, địa vị nhưng Nhóm Kết nối yêu thương hoạt động khá quy củ với tinh thần tự giác, cùng một lòng hướng về người yếu thế.

Bởi thế, mới có chuyện các vị ĐBQH như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi; Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng… hầu như có mặt trên tất cả chuỗi hành trình của Nhóm; sẵn sàng dành thời gian và uy tín để kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay với Nhóm giải quyết phần nào khó khăn cho các đối tượng. Hay ĐBQH, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn tranh thủ về với đồng bào nghèo Mường Lát để chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, động viên bà con. Với Giáo sư Tuấn, dù công tác ở lĩnh vực nào thì mục tiêu hướng đến vẫn là cứu người. Tấm lòng của Giáo sư Tuấn truyền cảm hứng cho các bác sĩ trong Bệnh viện Tim Hà Nội; giúp họ có đủ sức khỏe để sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Thật cảm động biết bao, hình ảnh các bác sĩ của Bệnh viện Tim vẫn niềm nở, ân cần thăm khám cho các đối tượng, dù trước đó, họ vừa trải qua những phút căng thẳng trong phòng mổ hay vừa trở về sau chuyến công tác vùng cao.

Tinh thần “Ngày chủ nhật yêu thương” còn lan tỏa tới các bậc “bóng cả” của các thành viên Nhóm. Bà Lê Thị Hòa ở Linh Đàm, Hà Nội, năm nay đã 76 tuổi nhưng chưa bỏ lỡ chuyến đi nào trong hành trình kết nối yêu thương. Với bà, đây không chỉ là niềm vui cuối tuần, không chỉ là sự chia sẻ với những hoàn cảnh thiếu may mắn, mà còn là dịp để bà nói với con cháu mình về “đạo làm người”, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Trở thành kênh xây dựng chính sách

Không đơn thuần là những chuyến thiện nguyện với những phần quà, bữa cơm thịnh soạn cho các đối tượng; hay là sự sẻ chia những vất vả với các cán bộ phục vụ trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội; giúp họ có thêm động lực làm nghề; mà sâu xa hơn, đây là kênh thông tin quan trọng, giúp những nhà hoạch định chính sách của QH hiểu thêm về thực tiễn cuộc sống, về những lỗ hổng chính sách cần được điều chỉnh.

Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, sau mỗi chuyến về các Trung tâm, ông đều trăn trở về cuộc sống của các đối tượng cũng như của cán bộ phục vụ. Dẫu với họ, cuộc sống hiện tại đã tạm hài lòng nhưng so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống thì vẫn còn cách biệt khá lớn. Điều đó, buộc những người làm chính sách phải suy nghĩ, hoạch định lại chính sách cho người có công cũng như các đối tượng yếu thế khác. Đặc biệt, thông qua hoạt động của Nhóm Kết nối yêu thương, cũng cần xem xét, tạo cơ chế để lôi cuốn những cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia. “Tôi thấy vui khi ngày càng có nhiều người, nhiều tổ chức tham gia trực tiếp vào các hoạt động giúp đỡ người nghèo, người yếu thế. Sự sẻ chia này là biểu hiện của một xã hội công bằng, tiến bộ, dân chủ và văn minh” - Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nói.

Tròn một năm ra đời, Chương trình “Ngày chủ nhật yêu thương” đã tổ chức bữa ăn trưa cải thiện cho 2.600 người; khám chuyên khoa tim mạch cho 1.700 người; vận động hỗ trợ tặng quà, trang thiết bị cho 13 Trung tâm Bảo trợ xã hội với tổng trị giá khoảng 350 triệu đồng; hỗ trợ tới các hoàn cảnh khó khăn khác ở vùng sâu, vùng xa hơn  300 triệu đồng, bao gồm cả tiền mặt và hiện vật.

___________

Từ tháng 8.2018, Chương trình “Ngày chủ nhật yêu thương” chính thức được Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức. Bệnh viện Tim Hà Nội, Nhóm Kết nối yêu thương cùng Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội thực hiện triển khai các hoạt động của Chương trình. Nhân dịp này, Vietcombank đã ủng hộ số tiền 300 triệu đồng để hỗ trợ các trung tâm bảo trợ xã hội cải tạo cơ sở vật chất, chăm sóc cho các đối tượng. Đây cũng là điều kiện để Nhóm đưa Quỹ “Ươm mầm tương lai” đi vào hoạt động ổn định.

Thái Bình