Chính sách làm việc cho tân cử nhân ở Trung Quốc

Bùng nổ đại học, bùng nổ thất nghiệp?

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 10:53 - Chia sẻ
Mùa hè này, các trường đại học ở Trung Quốc cho “ra lò” một lượng sinh viên tốt nghiệp kỷ lục: 8,3 triệu tân cử nhân gia nhập lực lượng lao động. Đây là mức tăng gần 50% so với 10 năm trước (5,7 triệu), một thách thức thật sự trong bối cảnh thương chiến Trung - Mỹ căng thẳng hơn bao giờ hết và bức tranh kinh tế - việc làm trong nước đang ảm đạm.

Thực trạng đáng lo ngại
 
Các chính sách thị thực khó khăn hơn ở nhiều nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ với sinh viên, đã buộc gần 500.000 du học sinh Trung Quốc phải về nước kiếm việc trong năm nay. Trớ trêu thay, đây lại không phải là thời điểm lý tưởng cho những người đi xin việc. Chiến tranh thương mại khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khá nhiều thách thức, chưa kể nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm nhất trong gần 30 năm qua.

Sự cạnh tranh của các tân cử nhân trong lực lượng lao động cũng gắt gao hơn: 2/3 những người tìm công việc đầu tiên trong đời năm 2019 này sẽ là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, so với chỉ một nửa mới 3 năm trước. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ tìm được việc làm của các cử nhân mới tốt nghiệp nhưng hãng tư vấn MyCos tại Bắc Kinh cho biết tỷ lệ sinh viên mới ra trường tìm được việc làm tại Trung Quốc đã giảm từ 77% năm 2014 xuống 73,6% năm 2018. Trong khi đó mức lương cho sinh viên mới ra trường đã giảm từ 4.800 NDT năm 2015 xuống chỉ còn 4.000 NDT năm 2017.

Tâm lý cầu toàn của tân cử nhân

Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc thống kê, từ tháng 1 - 7.2019, tần suất tìm kiếm từ khóa “tìm việc làm” tăng vọt, lượng tìm kiếm hàng ngày hơn 270.000 lượt, gấp 10 lần lượng tìm kiếm trong những năm qua.

Một trong những nguyên nhân khó tìm được việc là do các tân cử nhân cũng kỳ vọng thái quá. Với khu vực tư nhân, một câu quen thuộc của họ là “BAT hoặc là tay trắng” (BAT là viết tắt cho 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, cũng là những nơi làm việc đáng thèm muốn nhất: Baidu, Alibaba và Tencent), và dễ hiểu là với giai đoạn mở rộng cấp kỳ của những tập đoàn này đã qua, kết quả với các sinh viên mới tốt nghiệp thường là tay trắng. Còn trong lĩnh vực nhà nước, năm 2018, 920.000 thí sinh đã đăng ký thi tuyển cho 14.500 vị trí công chức, tương đương tỷ lệ 1 chọi… 63. Năm nay, số vị trí việc làm cho lĩnh vực nhà nước cũng không đổi, và tiếp tục duy trì ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Chiến tranh thương mại với Mỹ cũng khiến thị trường lao động tại Trung Quốc ảnh hưởng khá lớn, nhất là trong ngành xuất nhập khẩu. Sự sụp đổ của những đường dây tín dụng đen, vốn thường tuyển các sinh viên mới tốt nghiệp, khiến lượng lớn nhân viên bị sa thải. Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị ảnh hưởng hình ảnh trên thế giới và phải hoãn kế hoạch mở rộng nhân sự. Thậm chí mảng hành chính công cũng bị cắt giảm xuống chỉ còn 14.500 người trong năm 2019, mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Bùng nổ các trường đại học

Ngoài ra, kỳ vọng của các bậc phụ huynh và giới trẻ cũng khiến mảng giáo dục của Trung Quốc lâm vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. “Tất cả mọi người muốn tôi phải trở thành nhà quản lý ngay khi mới tốt nghiệp đại học”, anh Yao Yuqun từ trường đại học Renmin University nói. Trong khi đó, có rất nhiều ngành nghề khác bị các cử nhân Trung Quốc chê bai vì thu nhập quá thấp hoặc không đủ “đẳng cấp”.

Tâm lý này đã dẫn đến một thực trạng khác: Sự bùng nổ của giáo dục tư nhân bậc cao ở Trung Quốc thời gian qua. Khát vọng vào đại học và văn hóa coi trọng bằng cấp khiến nguồn thu từ mảng giáo dục là cực lớn, khiến nhiều trường đại học mọc lên để thu tiền sinh viên nhưng lại chẳng màng đến chất lượng đầu ra. Số lượng trường đại học ở Trung Quốc mọc lên ngày càng nhiều, từ hơn 1.000 trường năm 2000 lên tới khoảng 2.700 trường hiện nay.

Hãng môi giới Frost & Sullivan ước tính vào năm 2012, Trung Quốc có 5,3 triệu sinh viên học ở các cơ sở giáo dục bậc cao tư nhân, nhưng con số này sẽ lên tới 8 triệu vào năm 2021, giá trị dự kiến tăng từ 10 tỷ USD lên 20,2 tỷ USD trong cùng kỳ, sớm trở thành thị trường giáo dục bậc cao tư nhân lớn nhất thế giới.

Theo Hãng kế toán Deloitte, tổng số vụ thâu tóm sáp nhập trong ngành giáo dục tư nhân ở Trung Quốc đã tăng 165% giai đoạn 2014 - 2015 và một trong những tập đoàn lớn nhất, China Education Group, đã niêm yết ở sàn chứng khoán Hong Kong năm 2017, huy động được 420 triệu USD trong lần đầu chào bán ra công chúng, định giá tập đoàn này ở mức 2,8 tỷ USD.

Cùng giai đoạn tăng trưởng kinh tế vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay cho giáo dục công lập ở mức độ cơ sở, nhưng trong dạy nghề và giáo dục bậc cao, khoảng trống cho tư nhân còn nhiều, với hơn 740 đại học tư và hàng nghìn trường dạy nghề, trong một thị trường phân mảnh sẽ sớm trở nên tập trung hơn trong tương lai rất gần.

Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lại càng tràn ngập các tân cử nhân hơn nữa trong một tương lai không xa, nhưng từ tấm bằng đại học chuyển thành một công việc như mong đợi lại là một chặng đường không thể đoán trước. 

Quỳnh Vũ