Bóng Tổ xưa còn thoảng

- Thứ Hai, 15/04/2019, 09:51 - Chia sẻ
Nằm giữa trung tâm nước Văn Lang - thời đại Hùng Vương xưa, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ ngày nay, nhân dân bao đời vẫn tiếp nối giữ gìn, tôn tạo và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng ở Đền Hùng.

Đất thiêng Văn Lang

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình tới đền Hùng của chúng tôi là xã Hy Cương, nơi “trưởng tạo lệ” - phát tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vùng đất thiêng này là khu bán sơn địa chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có cả rừng núi, đồi gò và đồng bằng. Giữa cảnh quan khá đa dạng ấy nổi bật ba ngọn núi là núi Hùng (còn có tên gọi là Nghĩa Lĩnh, tên cổ xưa địa phương gọi là núi Cả); núi Trọc (Bạch Đầu sơn); núi Vặn (ốc Sơn), là vùng “Tam sơn cấm địa” được nhân dân coi sóc, thờ tự bao đời. Tục truyền rằng, Hùng Vương và quan tướng thường đến đây làm lễ tế trời, thờ lúa, cầu mong cho giống nòi sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, nhân dân no đủ. Do đó, đền Thượng nay vẫn còn có tên gọi Kính Thiên lĩnh điện. Với ý thức “uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn tổ tiên dựng nước, người Việt xây dựng các ngôi đền Trung, đền Hạ thờ 18 đời Vua Hùng cùng các vị thần núi.


Ảnh: Lê Thủy

Theo Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Lệ Thị Thoa, tháng 2.2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã đồng ý chủ trương cho phép UBND xã Hy Cương tu sửa hiện vật, đồ thờ và bổ sung hiện vật vào di tích Quốc gia đình Cổ Tích và giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Việt Trì chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã Hy Cương thực hiện theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm, chất lượng và hiệu quả...

Ngoài núi Hùng, Hy Cương còn có nhiều di tích thờ Hùng Vương, gia quyến và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Không chỉ thờ trên núi, ở Hy Cương còn có ngôi đình mang tên Cổ Tích, thờ Vua Hùng và thần Cao Sơn đã có công khai sáng, gây dựng và giữ gìn bảo vệ đất nước từ thuở sơ khai. Hiện nay, đình còn lưu giữ được cuốn Ngọc phả viết năm Hồng Đức thứ nhất (1470) do Hàn lâm Viện Trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn, ghi tóm tắt lịch sử 18 đời Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương.

Đình Cổ Tích là một trong hệ thống di tích gắn liền với các đền trên núi Nghĩa Lĩnh - như một hệ thống khép kín của việc thờ tự tín ngưỡng truyền thống dân gian trong một làng ở vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ. Tương truyền, đình được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, sau khi giặc Minh tàn phá khu di tích đền Hùng, nhân dân đã gom góp làm lại đền Trung, rồi mới làm đình Cổ Tích. Nhiều tư liệu, kiến trúc và các chi tiết điêu khắc trong đình, như tượng rồng, mái đao... mang phong cách Hậu Lê. Có thể xem đình Cổ Tích được xây dựng vào thế kỷ XVII, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa để được kiến trúc như hiện nay.

Nếp xưa còn lại

Các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia, để đến được chân núi Nghĩa Lĩnh lên đền Trung, đền Hạ, đền Giếng, đền Thượng, khách hành hương phải đi qua đình Cổ Tích, còn được gọi là đình Trình. Đây cũng là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu chính của các làng lên đền Thượng vào mùng 10.3 ÂL. Do đó, đình không chỉ là chốn thân thuộc với cư dân trong vùng mà còn trở thành điểm dừng chân của khách thập phương mỗi khi về thăm đền Hùng.

Đình Cổ Tích có vai trò lớn trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, là nơi tổ chức những lễ trọng trong vùng và là không gian của lễ hội làng. Khác với nhiều ngôi đình, người chăm lo hương khói tại đây không cố định mà sẽ được lựa chọn trong số các vị cao niên tinh thông lễ nghĩa trong làng. Lệ xưa nay, người được chọn trông coi hương khói đền Thượng trong mùa giỗ trước sẽ trở thành thủ từ tại đình Cổ Tích.


Những ngày đầu tháng 3 ÂL, không khí trong làng đã đông vui tấp nập, nhà nhà nô nức chuẩn bị hương nhang, lễ vật đến lễ đình chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ. Theo Thủ từ đền Cổ Tích Cao Đức Trọng, xưa không có máy xay xát, chuẩn bị đến lễ hội, nhân dân trong làng tề tựu dành cả tháng xay lúa. Gạo nếp xay xong, bao nhiêu hạt gãy được nhặt bỏ, lấy nguyên hạt lành làm xôi, gói bánh chưng, làm bánh giầy dâng Vua. Người xay lúa, giã bánh, người chuẩn bị củi, lửa tất bật đông vui. Những ngày ấy mỗi làng đều mổ trâu để vui hội.

Mồng 4.3 tiệc đình Cổ Tích, mùng 9 các làng xung quanh như Hùng Lô, Kim Đức, Chu Hóa đều rước kiệu lễ về đây, sớm mai rước lên núi Nghĩa Lĩnh tế các vua Hùng. Mỗi làng có 3 kiệu: Kiệu văn (chúc văn), kiệu cống (sản vật bánh chưng, bánh dày, hoa thơm quả ngọt), và kiệu rước ông từ (thầy cúng, chủ làng) của làng, cờ rong trống mở rộn ràng. Chiều mùng 10, nhân dân các làng lại rước Vua từ núi Nghĩa Lĩnh về đình...

Không biết bao nhiêu năm, lệ xưa vẫn in lại trong tâm thức các vị lão niên trong làng. Cứ đến ngày lễ hội, ký ức xưa dưới mái đình Cổ Tích thời xa thẳm lại ùa về qua lời kể cho con cháu.

Bạc màu thời gian

Trải qua những năm dài kháng chiến, bom đạn, giặc giã và đói khổ, lễ tục mai một. Ông Cao Đức Trọng cho biết, đình Cổ Tích có lúc làm cơ sở đánh giặc, kho lúa kho thóc, bình dân học vụ, phong tục các làng rước kiệu tại đình Cổ Tích trước ngày hội đền Hùng cũng không còn. Từ sau khi đất nước thống nhất - năm 1975 trở lại đây, nghi lễ dần phục hồi dù không được như xưa. Thời gian sau đó, làng Vi, làng Trẹo xung quanh (nay thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) cũng có đình riêng thờ Vua và rước kiệu lên núi, không tựu trung tại đình Trình như xưa. Nay có những con đường khác, đi theo sân trung tâm lễ hội vào cổng đền Hùng, nên cũng không nhiều người trẻ biết đây là đền Trình trước khi lên núi Nghĩa Lĩnh.

Nhiều đổi thay trên mảnh đất này, nhưng với nhân dân làng Cổ Tích, lệ cũ vẫn được duy trì, dù chiến tranh, hay thời bình, năm nào làng cũng rước kiệu Vua lên núi, lễ rước vẫn không thiếu bánh chưng, bánh giầy, nhang hoa oản phẩm... Mùng 10.3 ÂL hằng năm, từ sớm tinh mơ, từ đình thôn Cổ Tích, dòng người trong sắc phục truyền thống đi theo hàng nghi lễ nghiêm cẩn với cờ quạt, trống, mõ và 20 thanh niên trẻ khỏe ghé vai vác kiệu lên Đền... Theo ông Cao Đức Trọng, đến nay, ngoài tục rước kiệu lên núi Nghĩa Lĩnh vào mùng 10.3 ÂL, nhân dân Hy Cương vẫn duy trì 6 khóa lễ cúng Vua Hùng: mùng 4 tháng Giêng khai xuân đón rước cúng tế Vua; 12.3 ÂL cúng vào hè, 12.5 ÂL lễ hội sau gặt hái, cúng cơm mới, 12.8 ÂL cúng vào thu, 12.10 ÂL lễ hội xuống đồng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và 25 tháng Chạp cúng tạ ơn Vua.

Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, đình Cổ Tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1994. Đến nay, ngôi đình vẫn giữ nguyên bản kết cấu khung gỗ, hệ thống cột, vì kèo, chạm trổ tứ linh đặc sắc vẫn vững chãi cùng thời gian, nhưng đã phủ lên lớp màu phôi pha... Nhân dân trong làng hàng ngày coi sóc, thờ phụng và gìn giữ, mong muốn sẽ sơn sửa lại để ngôi đình đẹp hơn.

Trải qua hai nghìn năm, con cháu Hy Cương vẫn nhớ ơn các vị vua Hùng, những người có công khai sơn phá thạch dựng nước. Và hệ thống các di tích, lễ nghĩa vẫn được duy trì truyền đời, chứng minh cho sự độc đáo của vùng đất Tổ với nhiều tín ngưỡng tự xa xưa.

H. Hà - Th. Nguyên - Th. Minh