Bóng ma chiến tranh từ Mùa xuân Hòa bình

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:35 - Chia sẻ
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức mở cuộc tấn công trên bộ trong khuôn khổ chiến dịch Mùa xuân Hòa bình nhằm vào khu vực phía Bắc Syria với mục tiêu quét sạch lực lượng người Kurd ra khỏi khu vực. Động thái này làm dấy lên quan ngại về viễn cảnh Syria trở lại cuộc chiến thảm khốc và đẫm máu cũng như nguy cơ trở lại của lực lượng IS.

Mục đích của chiến dịch

Trước đó, chiều 8.10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo khai hỏa chiến dịch quân sự Mùa xuân Hòa bình nhằm truy quét các tay súng thuộc tổ chức Các Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) người Kurd mà Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Chẳng bao lâu sau đó, lực lượng chiến đấu cơ cũng như các lực lượng pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu dội hỏa lực ồ ạt vào các cứ điểm của đội quân người Kurd nằm dọc biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng nghìn người dân thường đã phải tháo chạy. Chiến dịch tung hỏa lực ồ ạt nói trên là để mở đường cho bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ băng qua biên giới và tiến vào Syria tối 9.10.

Báo chí đưa tin, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công ít nhất 4 thành phố tại tỉnh Hasakah và hai thành phố thuộc tỉnh Raqqa. Ngoài ra, lực lượng chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là còn tấn công phá hủy nguồn cung cấp điện cho nhà máy quản lý nước Alluk cũng như một con đập ở phía Bắc Al-Malikiyah.


Thổ Nhĩ Kỳ leo thang và mở chiến dịch quân sự bên trong lãnh thổ Syria chỉ vài ngày sau khi Mỹ quyết định rút quân và không can dự vào tình hình chiến sự tại Đông Bắc Syria. Trong một tuyên bố ngày 6.10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định, quân đội Mỹ đã xóa sổ “Vương quốc Hồi giáo” của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại khu vực này và giờ là thời điểm rút quân. Quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên quan ngại về số phận các tay súng thuộc lực lượng YPG, vốn là đồng minh sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS. YPG được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Dù các lãnh đạo người Kurd ở Syria nói rằng họ tách biệt với PKK thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi họ là nhánh mở rộng của PKK, và viễn cảnh về một lực lượng vũ trang người Kurd thống nhất, mạnh mẽ dọc biên giới Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ là điều Ankara không bao giờ mong muốn.

Trong chiến dịch lần này, Ankara có hai mục tiêu chính ở phía Đông Bắc Syria: Đẩy lực lượng dân quân YPG người Kurd mà họ coi là mối đe dọa an ninh ra khỏi biên giới và thiết lập một vùng an toàn, sâu 32km và dài 480km trong lãnh thổ Syria để bảo vệ an ninh và làm nơi định cư cho khoảng 2 triệu người tị nạn Syria đang nương náu trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ lụy nguy hiểm

Các chuyên gia lo ngại, chiến dịch quân sự quy mô lớn, quyết liệt và có thể kéo dài của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở phía Bắc có nguy cơ biến Syria trở lại thành chiến trường đẫm máu và thảm khốc. Cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurd sẽ kéo theo sự tham gia của nhiều bên liên quan và có thể khiến tổ chức khủng bố IS trỗi dậy trở lại.

Trên thực tế, sự rút lui đột ngột của Mỹ và tiếp đó là chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh IS đang tái tập hợp lực lượng sau khi bị đánh bại trên cả chiến

rường Iraq và Syria. Việc đối mặt cùng lúc với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân IS, trong khi không có yểm trợ từ quân đội Mỹ, có thể khiến dân quân người Kurd đánh mất nhiều vùng lãnh thổ đang kiểm soát, thậm chí bị hủy diệt hoàn toàn và tạo điều kiện để IS trỗi dậy mạnh mẽ.

Cho đến nay, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), trong đó lực lượng dân quân YPG là thành phần chủ lực, vẫn tiến hành các hoạt động chống lại các phần tử IS đang ẩn náu kể từ khi giành lại được vùng lãnh thổ cuối cùng của mình vào đầu năm nay. Các nhà lãnh đạo người Kurd ở Syria từ lâu đã cảnh báo rằng SDF có thể không tiếp tục giam giữ tù nhân IS nếu tình hình rơi vào mất ổn định bởi cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại SDF giam giữ 5.000 chiến binh IS quốc tịch Syria, Iraq và hơn 1.000 chiến binh từ hơn 55 quốc gia khác.

Phản ứng của phương TâyCho đến nay, phương Tây vẫn phản ứng dè chừng trước kế hoạch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế. Theo lời ông Stoltenberg, Thổ Nhĩ Kỳ có “những mối quan ngại chính đáng về an ninh” và đã thông báo cho NATO về kế hoạch tấn công lực lượng người Kurd ở Syria. “Tôi trông chờ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động một cách kiềm chế và bảo đảm rằng bất kỳ hành động nào của họ ở phía bắc Syria đều phải cân nhắc và phù hợp”. “Sẽ là điều quan trọng để tránh có hành động gây bất ổn thêm nữa đối với khu vực, làm leo thang căng thẳng và gây ra nhiều nỗi đau hơn cho người dân”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), Cao ủy Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini cho rằng, kế hoạch của Ankara đi ngược các tiêu chuẩn về nhân đạo và hoàn toàn không thể chấp nhận được với EU. “Ngoài các hệ quả về an ninh và nhân đạo, chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria cũng có thể gây cản trở Ủy ban Hiến pháp Syria khi Ủy ban này vừa bắt tay vào công việc của họ”.

Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin thì cho biết, Pháp, Anh và Đức cũng đang chuẩn bị ra tuyên bố lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ “đang mạo hiểm gây bất ổn hơn nữa cho khu vực và hồi sinh IS. Syria cần sự ổn định và tiến trình chính trị trong khi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ gây ra thảm họa nhân đạo mới”. Ba quốc gia châu Âu nói trên cũng đang xem xét có nên đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không.

Quỳnh Vũ