Bồng bềnh và gập ghềnh (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của Nguyễn Trí</i>

- Thứ Hai, 12/08/2013, 08:38 - Chia sẻ

>> Bồng bềnh và gập ghềnh (Phần cuối)

Hai Sinh người miền Trung mới năm mươi sáu tuổi, nhưng tóc một mầu bạch kim, dài và bồng bềnh như nghệ sĩ. Cao ráo nhưng không to con, tướng thanh nhã lịch sự, ăn nói nhỏ nhẹ, không hề chửi thề, mặc dù làm cái nghề rất dễ cáu kỉnh - thợ hồ.

Tay nghề của Hai Sinh dạng sư. Đệ tử trên một chục. Cai thầu quý trọng lắm. Mắt Hai Sinh là mắt thần, nhìn qua biết ngay hay dở. Tường xây mạch hồ tuyệt đẹp. Nhà nghèo không đủ lực để tô, dưới tay Hai Sinh cùng hai thằng đệ tử nhất Lãng Tử và Sạch Nhách vẫn trên cả tuyệt vời.

 Hai Sinh nâng vôi vữa lên hàng nghệ thuật, nói: “Xây dựng là nghệ thuật Kiến trúc, nó tầm cỡ âm nhạc và hội họa, người thợ ngoại trừ đầu óc còn phải đánh vật cùng nắng gió. Người chơi bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng được gọi bằng ông bằng bà. Còn xây dựng bị gọi bằng thằng: ê kiếm đâu mấy thằng thợ coi... Tụi mầy thấy tủi thân không?

 Sạch Nhách trả lời:

 - Chớ kêu bằng gì bố? Con thấy kêu bằng thằng dễ sống hơn kêu ông. Quan trọng có tiền...

 - Mày biết nói vậy, sao có đồng nào nướng sạch đồng đó vào xập xám, tiến lên?

 
 
Minh họa của Vũ Xuân Hoàn

Lãng Tử người miền Đông, Sạch Nhách người miền Tây, gặp Hai Sinh trong công trình, lúc đầu cả ba làm cho Ba Đạt. Ba Đạt giao cho thằng em vợ tên Đỏ, thằng nầy sáng xỉn chiều say, chửi thợ còn hơn con không đẻ. Ba Đạt xách xe chạy nơi nầy nơi khác chỉ huy chung, không rõ vì sao cả ba xin nghỉ cùng một lúc, năn nỉ cỡ nào cũng không chuyển, lúc hiểu ra Ba Đạt tế lên đầu em vợ:

 - Mày ngu như bò, ba giọt rượu làm hư cái đầu mày, mày có biết kiếm thợ cỡ đó khó như hái sao trên trời không?

 Cả ba đầu quân cho Bảy Tài. Xong công trình Bảy Tài giao cho Ba Tôn nói:

 - Thợ của tui, cho ông mượn chừng nào cần là lấy lại à.

 Hai Sinh tự ái:

 - Ông làm như bọn tôi là cái bay, cái máng đem cho mượn, ông đâu có đào tạo mà bảo tôi là của ông, xong việc, tôi tự kiếm việc khác, ông nói vậy là xúc phạm tôi.

 Bảy Tài phải hạ mình xin lỗi.

 Ba Tôn tìm đủ mọi cách để giữ chân thầy trò Hai Sinh, ngặt nỗi, Hai Sinh không rượu, không thuốc lá, Ba Tôn chẳng biết lấy cái gì mua lòng. Chả bù với hai thằng đệ tử, Lãng Tử rượu trà cà phê thuốc lá, Sạch Nhách mê bài và chung một sở thích... đàn bà. Hai Sinh, đàn bà cũng không, thế mới lạ. Ôm công trình tháng nầy qua tháng khác, mỗi tuần, lãnh lương xong Lãng Tử và Sạch Nhách còn xuống khu vẫy tay đôi lần, Hai Sinh cứ nằm toòng teng trên võng uống trà ngâm thơ con cóc. Mấy bà phụ hồ ba mấy, bốn mươi, cô đơn vì chồng bỏ, chồng chê cũng muốn góp gạo nấu cơm chung:

 - Anh Hai đưa gạo em nấu dùm cho, đàn ông nấu cơm tội nghiệp quá chừng.

 Hai Sinh nhỏ nhẹ:

 - Thôi, cám ơn cô.

 Luận về đàn bà, Lãng Tử hỏi:

 - Bố sao dzậy?

 - Tao già rồi, trên bảo dưới không nghe.

 - Ông mà già, tướng tá như ông đẹp quá trời... Ông bị gì vậy?

 Hai Sinh cười:

 - Bị gì là bị gì mậy? Tao không thích, vậy thôi.

 Sạch Nhách xen vào:

- Con thấy bà Hạnh có vẻ kết bố lắm, bố dzô đi, tội nghiệp người ta.

 Hai Sinh cười lớn, ngạo nghễ.

 Trừ tay nghề cao... Nhiệt tình và đến đầu đến đũa cũng là một lợi thế khác của Hai Sinh. Mấy đứa phụ hồ tập tành lên thợ rất thích sự hướng dẫn cặn kẽ của sư phụ. Ba Tôn cũng nhờ Hai Sinh đào tạo thợ cho mình. Tập thợ dĩ nhiên lương thấp, mấy thằng đang phụ hồ được lên thợ, cầm bay gõ máng sai phái ra vẻ ta đây nầy nọ lại rất nhiệt tình. Vả lại mày đang phụ, làm với tao, tao đưa lên thợ, có nơi nào khác cao giá hơn rủ rê, mày đâu nỡ bỏ đi, ngó sao được. Ba Tôn cám ơn lắm, biết Hai Sinh thích trà, Ba Tôn mày mò đâu đó trên thành phố được loại trà của Đài hay Sing gì đó về biếu Hai Sinh cả hộp. Loại trà rất kỳ, nó được cột lại thành một cục, bỏ vô ly, rót nước sôi vào, lát sau nở ra một bông hoa mầu trắng, bên trên có một lát sâm và vài cọng cam thảo, uống xong Hai Sinh chê:

 - Thua trà Thái Nguyên xa lắc, dân mình chỉ sính ngoại, cái gì hễ ngoại là nhất. Người ta thưởng thức trà bằng cái lưỡi chứ đâu phải bằng mắt.

 Nói xong cho đệ tử mỗi đứa một cục... trà. Lãng Tử nói:

 - Nhưng mà có sâm Hàn Quốc, bổ lắm bố già ơi.

 - Sâm cái đầu mày, khoai lang khô xắt lát đó con. Khà khà khà...

 Làm công trình, cai thầu đối phó với nhiều thứ. Thời gian thi công là quan trọng nhất. Khi ký hợp đồng anh phải bảo đảm thời gian tính, chưa nói tới chất lượng, nếu hoàn thành sớm sẽ được thưởng và ngược lại. Điều kiện nầy kéo theo một dãy hệ lụy, chỉ lơ đãng một tí, nhất là mấy tay tập thợ, tường bị đói hoặc no là chết với giám sát công trình. Giám sát, cập cây thước lên tường, lạnh lùng phán: “Cạo ra, tô lại, bị hở 5 li” là méo mặt cai thầu. Giám sát đâu cần cái lương ba cọc ba đồng, tay nào cũng chạy tay ga đời mới, có khi đến công trình còn chở thêm một em váy ngắn chân dài, đẹp như gái ở khu... vẫy tay. Tiền đâu? Giám sát không chẻ sợi tóc làm tư, cai thầu đâu có móc hầu bao xin xí xóa. Chưa kể loại thợ giỏi như Lãng Tử, Sạch Nhách lại thường chứng, ưng làm, không ưng nằm trên võng than: “Bữa nay nhức đầu sổ mũi...” Nói, sợ nó bỏ đi làm chỗ khác, không nói, tức không chịu được. May mà có Hai Sinh.

 Đã có lần xảy ra lớn chuyện. Sáng đó Ba Tôn chở Hai Sinh đi khảo sát công trình. Chủ một quán cà phê muốn trang trí quán bằng vôi vữa, đủ thứ tỉ mỉ sông suối hoa trôi nước chảy. Cái nầy không có Hai Sinh là không xong. Mười giờ trưa trở lại công trình thì có chuyện om sòm ở bức tường Lãng Tử và Sạch Nhách đang xây.
 Lãng đang cự với giám sát, nó văng tục chửi thề inh ỏi. Còn tay giám sát mặt tái ngắt. Gì thì gì, ít cũng tốt nghiệp, hoặc sắp tốt nghiệp, đi thực tập, không kỹ sư thì cũng sắp. Trí thức bị “vai u thịt bắp mồ hôi dầu” lôi cả cha, má và kịnh ra đù, không giận đâu phải người. Hai Sinh và Ba Tôn lắng nghe đầu đuôi. Tường xây từ cột nầy đến cột kia, khi xây phải hồ dầu vào cột nếu không khi tô sẽ bị nứt chân chim, không hiểu sao điều sơ đẳng ấy hai thằng thợ xịn không làm. Sai mười mươi, còn cãi. Giám sát yêu cầu đập tường xây lại, nếu không không nghiệm thu. Chà, lớn chuyện đây, đập thì đương nhiên phải đền vật liệu, chuyện đó không quan trọng, nhưng thời gian không cho phép. Ba Tôn nhăn mặt, nhăn cả trán đứng nghe giám sát bị thợ mình lăng nhục. Và đưa mắt cầu cứu Hai Sinh.

 Hai Sinh lắc đầu. Hai thằng đã khiến Ba Tôn dính phạt đền. Mười Hai Sinh cũng không gỡ nổi. Đã sai lại giở thói côn đồ. Mặt giám sát lộ nét giận. Hai Sinh lên tiếng:

 - Hai đứa bây yên coi.

 Nói rồi xin lỗi giám sát. Thừa nhận tất cả sai trái của thợ, phân trần rằng vì văn hóa kém, công việc của thợ bị tác động của nhiều thứ nên sinh cáu kỉnh. Em bỏ qua cho. Giám sát công trình lạnh như đá tảng:

 - Chú tháo gạch xây lại bức tường nầy. Nếu chú cần tôi sẽ lập biên bản. Sai tôi chịu trách nhiệm.

 - Rồi, em yên tâm.

 Nói xong Hai Sinh tập trung toàn bộ thợ và phụ. Đứa cầm vòi xịt nước cho mềm vôi vữa, đứa tháo gạch. Quả, làm đi thì dễ, làm lại khó lắm. Vừa chỉ huy, Hai Sinh vừa xắn tay áo múa bay chặt gạch. Cơm trưa xong, nghỉ mười phút làm liền. - Rồi, tính tăng ca, bây yên tâm đi, một ra một rưỡi. Ba Tôn không tính tao tính cho. Chiều Ba Tôn phóng xe ra quán mua cơm hộp. Mãi đến sáu giờ bức tường mới hoàn tất.

 
***

 Chiều thứ bảy, thứ bảy máu chảy về tim. Thợ và phụ đùa nhau như vậy. Có đứa hát: nếu chiều nay không có lương, tao sẽ chơi ông thầu... Rồi hí há cười. Ba Tôn cầm sổ, máy tính. Đầy đủ, không thiếu ai đồng nào, cả Lãng Tử và Sạch Nhách. Tất nhiên cả hai không dám nhận, Lãng Tử lên tiếng:

 - Chú Ba tính coi bức tường xây lại lỗ bao nhiêu, tui với Sạch Nhách chịu.

 - Thôi, cũng như tai nạn của tao, hai thằng mầy yên tâm.

 Nhưng cả hai tâm bất định, hùa nhau xếp đồ đạc bỏ vào ba lô và dứt khoát không nhận tiền. Ba Tôn sợ nhất cảnh nầy. Rõ, hai thằng quê độ, tương tự như no mất ngon. Sạch Nhách nói:

 - Hai thằng tui về quê mấy bữa, chú thông cảm.

 Ba Tôn vỗ hai tay, bật khỏi võng:

 - Trời ơi bây giờ tụi bây đi, tao chết liền. Mà tao đã làm gì hai thằng bây? Anh nghĩ sao, anh Hai?

 Hai Sinh:

 - Nó về để nó về, ông giữ nó làm chi.

 Hai thằng chả nói chả rằng, cứ thế ra đi đúng kiểu không bờ không bến. Ba Tôn lắc đầu:

 - Sao anh không giữ nó lại, anh Hai?

 - Kẻ muốn đi ông giữ cũng không được. Mà ông lo cái gì? Không có hai thằng nó thì nhờ bọn nhỏ tăng ca. Ông yên tâm, không trễ thời gian đâu mà lo. Có thể ông lỗ, nhưng làm ăn phải có lỗ có lời, đúng không?

 Còn hai thằng đi đâu vậy kìa? Đi đâu? Còn đâu nữa ngoài khu vực chợ thị trấn. Đúng là đồ khùng, khi không tốn thêm đủ thứ trời ơi. Đừng đùa nghe, phải có khoản nồi niêu xoong chảo để nấu ăn à. Rồi tiền phòng trọ đóng trước một tháng, ai cũng vậy, không giao trước, ở năm bữa nửa tháng bọn mày đi tao đòi ai? Đưa chứng minh đây tao đi đăng ký.

 Ra phố làm mấy chai Sài Gòn coi. Con khỉ khô, tiền trong tay anh là của anh, anh có quyền xài. Ngà ngà men bia, miệng thơm mùi mực nướng. Có men vô cứ thế sự mà bàn. Sạch Nhách nói trước:

 - Ông Hai dở ẹc, làm tao quê độ. Mẹ, nó muốn thì cho nó một ít, khi không phá tường xây lại...

 - Dẹp đi. Mày đù nó quá cỡ, còn đòi chơi nó nữa, nó bắt phá tường cho bõ ghét, dễ gì nó chịu cầm tiền. Mà sao lại quên lãng xẹt. Mày làm gì bữa đó sáng mới mò về?

 - Tao vô chơi đá gà trong bưng, bị công an rượt chạy trối chết, trốn chui trốn nhủi. May mà không bị bắt. Má nó, hay thiệt mày, tứ bề lau sậy, cỏ mọc um tùm, vệ tinh giăng năm bảy lớp mà công an cũng biết.

 - Mày goãng chưa?

 - Khỉ khô, bể chỗ nầy, bọn đầu nậu tổ chức chỗ khác

 - Mày cứ đâm đầu vô, có bữa chết a con.

 - Còn mày?

 - Bữa đó tao xuống đèn đỏ ôm em vô nhà nghỉ.

 - Hà hà, hèn gì. Mà nè, đi cà phê không?

 - Tất nhiên. Chú Hai ơi tính tiền.

 Ra đường. Lãng Tử vừa đi vừa hát: ôi nó bồng bềnh, nó gập ghềnh, rồi đời sẽ đi về đâu... Cả hai xuống mấy quán mờ mờ xanh đỏ tím vàng. Người đẹp cũng vàng xanh tím đỏ. Đẹp như hoa xinh như mộng, ôm vai bá cổ anh trai lạ hoắc: đi chơi với em đi anh - Nhiêu? Giá được ngã. Rồi, ở đâu em? - Nhà nghỉ trước mặt nè anh.

 Lãng Tử nói:

 - Mày sau nghe Sạch Nhách, tao trước à.

 Thằng quỷ con nầy khôn dàn trời. Chuyện anh trai tứ xứ xuống đèn đỏ kiếm mèo hoang, ngà ngà hơi men bị môi đỏ lừa tiền nó rành sáu câu. Lãng Tử đưa bóp tiền cho Sạch Nhách, chỉ lấy đủ cho một dù. Mèo hoang ôm lưng Lãng Tử, âu yếm như tình nhân dìu nhau vào cái nơi có đỉnh Vu Sơn.

 Sạch Nhách ngồi quán ôm một em đợi bạn. Và nó chứng kiến từ đầu đến đuôi cảnh công an và dân phòng ùa vào. Từ trong nhà nghỉ từng cặp một bị điệu ra, cúi gầm mặt về thị trấn, trong đó có Lãng Tử.

 Em gái ngồi bên Sạch Nhách cũng hết hồn:

 - Thôi biến anh ơi, một hồi họ vô kiểm tra quán là mệt lắm.

 Chợt nhớ giấy tờ tùy thân đã giao cho chủ trọ, Sạch ta lia nhanh ra đường, vừa đi vừa lo lắng: cha mẹ ơi, vụ nầy lớn dữ a, bị bắt về tội nầy nghe nói mấy nhỏ bán đi phục hồi nhân phẩm. Còn mua? Chắc không đến nỗi. Nhưng mà, nhục nhã lắm... Rối bời, về đến phòng trọ nó mới nhớ đến Hai Sinh.

 Hai Sinh nhấc máy nghe đầu đuôi câu chuyện, nói:

 - Khuya rồi, ngủ đi để mai tính.

 Sáng, tuần trà xong, phân bổ việc cho thợ, Hai Sinh ra ủy ban. Quen biết nhau, nhưng mà việc gì ra việc đó. Trưởng ban hỏi:

 - Con cháu ông sao mà tệ vậy. Nể ông thiệt nhưng mà vi phạm là phải phạt. Đây là lần đầu tôi cho qua, về dạy bảo lại nó, dính lần nữa là tôi cho đi à. Cháu ông là thằng nào?

 Đưa mắt nhìn vô tạm giam, Hai Sinh thấy Nguyễn Văn Lãng nhìn ông cầu cứu. Còn ai nữa vậy kìa? Lạy Chúa, Hai Sinh nhận ra tay... giám sát công trình.

 Thôi thì bảo lãnh cho cả cặp vậy.

(Số sau đăng hết)