Bốn lĩnh vực ngành xây dựng phải bứt phá

- Thứ Bảy, 05/01/2019, 08:25 - Chia sẻ
Năm 2018, ngành xây dựng duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16% cho lĩnh vực xây lắp và khoảng 4% trong kinh doanh bất động sản. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, kết quả này góp phần quan trọng đưa Việt Nam vào top những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới; đồng thời, yêu cầu năm nay ngành xây dựng phải bứt phá về thể chế, chất lượng sản phẩm, về nhà ở xã hội và xử lý tro xỉ nhiệt điện.

Hầu hết chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Sáng 4.1, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019 của ngành.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, năm 2018, ngành xây dựng đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển chủ yếu. Trong đó, đáng chú ý là “ngành đã duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16% cho lĩnh vực xây lắp và khoảng 4% cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản”. Tỷ lệ phủ kín các quy hoạch xây dựng phân khu và quy hoạch chi tiết tiếp tục tăng lên, chất lượng quy hoạch cơ bản bảo đảm. Đến nay, quy hoạch vùng tỉnh đã cơ bản phủ kín trên phạm vi cả nước.


Toàn cảnh hội nghị  Ảnh: Hà Lan

Bộ trưởng Bộ Xây dựng PHẠM HỒNG HÀ: Theo dõi chặt tình hình triển khai pháp luật về quy hoạch

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2019 cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu hình thành các công cụ quản lý cơ chế chính sách mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, hoạt động xây dựng, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, bất động sản, vật liệu xây dựng, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp… Trong đó tập trung thực hiện một số nội dung mới là: Hoàn thiện thể chế về xây dựng để đến cuối nhiệm kỳ bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước của hệ thống quy định pháp luật về xây dựng. Theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung các luật có nội dung liên quan đến quy hoạch. Kịp thời đề xuất với Chính phủ các giải pháp thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị không để có sự vướng mắc, rối loạn, chậm trễ trong quá trình thực hiện. Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, sai quy định, triển khai kịp thời có hiệu quả đề án phát triển đô thị thông minh. Đề xuất các giải pháp tổng thể về phát triển đô thị để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội năm 2019 và các năm sau.

H. Lan ghi

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Bộ tập trung thực hiện, đặc biệt chú trọng xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh nhằm tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng. Cụ thể, Bộ đã hoàn thành dự thảo và trình Chính phủ, Quốc hội 3 dự án Luật: Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Kiến trúc; Luật sửa đổi bổ sung các Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị. Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở để thực hiện chính sách nhà ở đối với cán bộ công chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đặc biệt, tháng 7.2018, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 100/2018/NĐ-CP, theo đó bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% số điều kiện đầu tư kinh doanh trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh ngành. Trước đó, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về tăng cường các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Việc lồng ghép các thủ tục theo hướng dẫn của Chỉ thị 08 giúp thời gian cấp phép xây dựng giảm 47 ngày, từ 166 ngày xuống còn 119 ngày. Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam năm 2018 xếp thứ 21/190 nền kinh tế (Doing Business 2019). Đây là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là 1 trong 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2017.

Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm, kể từ 1.10.2018, 100% các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của các Cục, Vụ được chuyển về giải quyết tại bộ phận một cửa của Bộ. Bộ đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến và tích hợp dịch vụ nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích lên các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Xây dựng. Bà Hạnh dẫn lời ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định “đây là một chuyển động quan trọng trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam”.

Xử lý kịp thời các biểu hiện trì trệ

Thị trường bất động sản trong năm qua tiếp tục duy trì sự ổn định, phát triển tốt, chưa có dấu hiệu cực đoan. Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cho biết, năm 2018 đã hoàn thành khoảng 58 triệu mét vuông nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 24m2 sàn/người, tăng 0,6% so với năm 2019. Nguồn cung bất động sản chỉ đạt 75% so với năm ngoái, chủ yếu giảm ở phân khúc nhà ở xã hội do thiếu vốn, và giá cả không biến động nhiều. Cũng theo ông Ninh, 2018 là một năm đầy khó khăn với nhà ở xã hội, chỉ có 14 dự án hoàn thành cung cấp khoảng 5.800 căn hộ - quá ít so với nhu cầu thực tế.

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả ngành xây dựng đạt được và nhấn mạnh ngành xây dựng đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước, đưa Việt Nam vào tốp những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng thời gian tới phải bứt phá về thể thế; về chất lượng đô thị, công trình xây dựng, vật liệu xây dựng; bứt phá trong phát triển nhà ở xã hội và xử lý tro xỉ nhiệt điện. “Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn và nhân văn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, bảo đảm an sinh xã hội. Xử lý tro xỉ nhiệt điện là vấn đề lớn, phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện vì liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và phát triển đất nước, ổn định chính trị. Hai vấn đề này Bộ Xây dựng cần tập trung xử lý”, Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng là “phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cụ thể cao hơn năm 2018 và tạo ra được sự bứt phá mới theo chủ đề hành động năm 2019 của Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ kiên quyết, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Tăng cường đôn đốc kiểm tra xử lý kịp thời các biểu hiện trì trệ trong quá trình thực hiện. Tiếp tục triển khai các đoàn kiểm tra thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng ở các địa phương.

Hà Lan