Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì vị trí nhóm 3 bộ dẫn đầu

- Thứ Ba, 19/05/2020, 20:47 - Chia sẻ
Kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 cho thấy, Bộ Tư pháp xếp hạng 3/17 bộ thuộc diện đánh giá với Chỉ số cải cách hành chính tổng hợp là 90.12. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Bộ Tư pháp duy trì vị trí nhóm 3 bộ dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.

Nỗ lực trong tham mưu xây dựng văn bản

Đối với Chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, Bộ Tư pháp đạt tối đa 100% số điểm. Kết quả nêu trên cho thấy nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc tập trung chỉ đạo, điều hành; tích cực tham mưu hoặc trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; có nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác cải cách hành chính của Bộ; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính của các đơn vị thuộc Bộ. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm đồng bộ giữa cải cách hành chính và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Báo cáo công bố Chỉ số đánh giá Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ là sáng kiến có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trong những năm vừa qua.


Triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch (Nguồn ITN)

Liên quan đến Chỉ số thành phần về xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, đây là Chỉ số duy nhất trong 7 chỉ số thành phần có giá trị dưới 80%, tuy nhiên Bộ Tư pháp đạt 88.47%. Kết quả này, phản ánh nỗ lực của Bộ trong việc tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và nhất là đã chú trọng thực hiện công tác trả lời kiến nghị của cá nhân, tổ chức, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Đưa tư pháp đến cơ sở

Chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính được đánh giá trên 6 tiêu chí: Kiểm soát quy định thủ tục hành chính; Công bố, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ; Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ và Tác động của cải cách đến chất lượng quy định thủ tục hành chính. Bộ cũng đưa các lĩnh vực hành chính tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm. Đồng thời, đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực công tác này với trọng tâm là xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gắn với việc tổ chức thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng, vận hành hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.


Tiếp tục ưu tiên cải cách trong các lĩnh vực tư pháp (nguồn ITN)

Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Tư pháp đạt 92.23% đối với Chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính.

Là một trong những trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chỉ số thành phần về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Tư pháp đạt 92.56%, trong khi giá trị trung bình của Chỉ số là 89.76%. Kết quả này cho thấy, các nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Tư pháp đã từng bước được cải thiện để đáp ứng cho việc xây dựng và phát triển Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Kết quả chỉ số Cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, ngành tập trung vào 2 nhóm điểm. Thứ nhất là nhóm A, kết quả chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước (95,4%), Bộ Tài chính (94,77%) và Bộ Tư pháp (90,12%). Nhóm B, đạt kết quả chỉ số CCHC từ 80 - 90%, gồm 14 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Lao động,Thương binh và Xã hội; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Xây dựng; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Y tế và Giao thông và Vận tải.

Phạm Hải