Bộ Tư pháp công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2017

- Thứ Tư, 03/01/2018, 09:27 - Chia sẻ
Hôm nay, Bộ Tư pháp đã công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp.

1. Từng bước hoàn thiện pháp luật quan trọng của ngành Tư pháp với việc QH thông qua Luật Trợ giúp pháp lý lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp làm trung tâm; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mở rộng phạm vi, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.

2. Hợp tác song phương trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp phát triển lên tầm cao mới với điểm nhấn là bước đột phá trong quan hệ với các nước láng giềng. Trong năm 2017, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, đưa các mối quan hệ hợp tác song phương, nhất là quan hệ với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn.

3. Công tác tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến: Chấm dứt nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới; phản ứng chính sách kịp thời, nhạy bén hơn.

Trong năm 2017, các Bộ, cơ quan đã xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 37 Nghị định và 3 Quyết định, hoàn thành 100%  số văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực trong năm; chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ phản ứng chính sách được toàn Ngành thực hiện kịp thời, nhạy bén và sát với thực tiễn hơn thông qua công cụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Bộ, ngành Tư pháp đã vào cuộc chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban hành văn bản, chú trọng khâu xử lý văn bản trái pháp luật; một số văn bản trái pháp luật tồn tại qua nhiều năm đã được xử lý dứt điểm.


Hội thảo “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại” - thông điệp mang tính thời sự về kinh nghiệm trị quốc của các bậc tiền nhân trong lịch sử.  

4. Vận dụng giá trị lịch sử về cải cách pháp luật, xây dựng bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Kế thừa kinh nghiệm quản trị quốc gia đặc sắc trong lịch sử và truyền thống vẻ vang của dân tộc, Bộ Tư pháp đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu làm sáng tỏ và phổ biến những bài học kinh nghiệm quý về cải cách pháp luật, xây dựng bộ máy nhà nước và trọng dụng hiền tài dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong đó, điểm nhấn là việc Bộ đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại” nhân kỷ niệm 520 năm ngày mất của nhà Vua. Hội thảo đã truyền tải thông điệp mang tính thời sự về kinh nghiệm trị quốc của các bậc tiền nhân trong lịch sử, coi trọng việc xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ đội ngũ quan lại để bảo đảm sự vững mạnh của chính quyền và tầm quan trọng của nhân tài với sự thịnh suy ở mỗi dân tộc.

5. Công tác thi hành án dân sự tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay về việc và về tiền thi hành án

Trong bối cảnh tình hình KT-XH đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (5,57% về việc và 19,67% về tiền tương đương gần 173 nghìn tỷ đồng) song Hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, số tiền cao nhất từ trước đến nay, cao hơn so với năm 2016 là hơn 19 nghìn việc và 6 nghìn tỷ đồng.

6. Triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và mở rộng Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng, kịp thời phục vụ nhân dân. Đến nay, toàn Ngành đã mở rộng triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 17 tỉnh/thành phố; triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại 15 tỉnh/thành phố; việc đăng ký hộ tịch tại các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh mới cho gần 2 triệu trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho hơn 750.000 trường hợp (tăng tới 38,3% so với năm 2016); đăng ký kết hôn cho hơn 700.000 cặp vợ chồng...

7. Vận hành phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản đạt mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 36a/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã triển khai nâng cấp và đưa vào vận hành phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản đạt mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến. Đây là dịch vụ công đầu tiên trong lĩnh vực tư pháp cung cấp trực tuyến ở mức độ cao nhất. Với nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm nêu trên, năm 2017, các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Bộ đã giải quyết gần 1 triệu đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 27% so với năm 2016), trong đó, số đơn đăng ký trực tuyến chiếm hơn 50%.

8. Các cơ sở đào tạo khởi sắc về chỉ tiêu, chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, phục vụ hội nhập quốc tế.

9. Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vượt tiến độ, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp. Gần 2.000/10.000 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương đã được rà soát, làm “sạch” và tập hợp, sắp xếp vào Bộ pháp điển, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

10. Tích cực, chủ động hưởng ứng thông điệp của Chính phủ về “hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”

Theo đó, công tác thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp được toàn ngành chú trọng thực hiện, bảo đảm loại bỏ những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật, tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh. Việc theo dõi thi hành pháp luật có trọng tâm, trọng điểm hơn, tập trung nguồn lực từ Trung ương đến địa phương; Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục được triển khai đồng bộ trên cả nước.  

Đình Khoa