Góc nhìn

“Bộ trưởng nhớ lời hứa này!”

- Thứ Năm, 19/03/2020, 08:19 - Chia sẻ
Với mục tiêu đưa dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang kịp thời giải ngân vốn ngân sách nhà nước còn lại. Đây là nội dung trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại buổi kiểm tra dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thông báo cũng nêu rõ, Thủ tướng biểu dương UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư, các đơn vị trực tiếp thi công, đơn vị tư vấn và các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay đã hoàn thành trên 35% khối lượng công trình. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công.

Mặc dù, được đánh giá là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, song dường như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án có số phận khá “long đong, lận đận”. Được khởi công từ năm 2009, đến nay, dự án đã kéo dài 10 năm với nhiều lần trì hoãn rồi lại tái khởi động.

Trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ, một trong 2 dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư có dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến thông tuyến vào năm 2020. Dự án có tổng sản lượng toàn dự án đạt khoảng 1.391,86 tỷ đồng (đạt 17,5%), chậm gần 27% so với tiến độ thi công tổng thể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khó khăn chính dẫn đến dự án chậm tiến độ là do nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn về việc huy động vốn vay tín dụng để cấp cho dự án; chưa bố trí được kế hoạch nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án 2.186 tỷ đồng; công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật một số phạm vi chưa được giải quyết dứt điểm, làm gián đoạn hoạt động thi công…

Trong các kỳ họp Quốc hội trước, dự án này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu tên, nhưng tiến độ triển khai vẫn chậm. Tại Kỳ họp thứ Năm, đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, liệu Bộ trưởng có cam kết sẽ đưa dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào sử dụng trong năm 2020 hay không? Tại Kỳ họp thứ Tám, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận cũng nêu thực trạng chậm trễ trong triển khai về dự án. Đại biểu đặt vấn đề, tại sao một số tuyến đường khác chưa cấp thiết, xây dựng xong nhưng lượng xe lưu thông không nhiều thì được thực hiện nhanh chóng, trong khi tuyến đường này lúc nào cũng khó khăn, vướng mắc?

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, “tư lệnh” ngành giao thông Nguyễn Văn Thể đã hứa, tới năm 2020 sẽ thông được cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án, Chính phủ đã có quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang kịp thời giải ngân vốn ngân sách nhà nước còn lại.

Có thể nói, “điểm nghẽn” lớn nhất của dự án là nguồn vốn đã được khơi thông. Tuy nhiên, để không còn cảnh người dân phải than thở “Ví dầu cao tốc miền Tây/ Xây đi, xây lại, xây hoài không xong”, còn phụ thuộc vào quyết tâm của chủ đầu tư, cũng như sự sát sao, trách nhiệm của “tư lệnh” ngành giao thông trong việc thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nhấn mạnh với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trước Quốc hội: “Bộ trưởng hứa tới năm 2020 đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến, Bộ trưởng nhớ lời hứa này”.

Hà An