Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 08:17 - Chia sẻ
Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tuy vậy, qua thực tiễn áp dụng và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta cho thấy, hiện vẫn thiếu cơ chế phát huy ảnh hưởng của người có uy tín, thiếu tiêu chí xác định, phân định cấp độ cụ thể về người có uy tín; triển khai nghiên cứu chính sách về người có uy tín chưa đồng bộ… Đây là nhận định tại Hội thảo chuyên đề phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thiếu cơ chế phát huy ảnh hưởng của người có uy tín

 Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc phải xây dựng bằng mồ hôi, công sức, thậm chí bằng cả xương máu. Do vậy, cần phải thường xuyên vun đắp thì mới bền vững. Việc ban hành chính sách dân tộc rất quan trọng nhưng đưa được chính sách vào cuộc sống cần cả một tấm lòng. Ứng xử thật lòng với công tác dân tộc, chính sách dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, có 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong đó có vai trò và sự đóng góp của những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh khẳng định, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện và phát huy vai trò của người uy tín trong toàn hệ thống chính trị. Người uy tín ở cộng đồng dân cư và trong đồng bào các dân tộc thiểu số là những cánh tay đắc lực đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào.

Là người gắn bó với công tác dân tộc, với đồng bào dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, người có uy tín, già làng trưởng bản, trưởng dòng tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng. Tiếng nói của họ luôn được tôn trọng, dân làng, con cháu tin tưởng làm theo. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục đồng bào nếu cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và cơ quan làm công tác dân tộc tranh thủ được người có uy tín thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn và ngược lại.

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương Đào Đoan Hùng cho biết, thực tiễn áp dụng và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thấy việc xây dựng và phát huy vai trò, tranh thủ ảnh hưởng của người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ người có uy tín còn có những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong vận động nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thành quy định cụ thể của Đảng. Thiếu tiêu chí xác định, phân định cấp độ cụ thể về người có uy tín. Chưa phát huy được vai trò của người có uy tín là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Cơ chế, chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn có mặt hạn chế, trong khi đó, việc triển khai nghiên cứu chính sách về người có uy tín chưa đồng bộ. Công tác quản lý, vận động, sử dụng người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn chậm và thiếu thống nhất. Kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác vận động chính trị, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn bất cập. Thiếu cơ chế để phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc lựa chọn, bình xét ở nhiều nơi còn hình thức, chưa lựa chọn được những người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số…

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát huy vai trò người có uy tín nên chưa quan tâm chỉ đạo, phân công quản lý, phân cấp vận động người có uy tín. Công tác vận động người có uy tín còn chồng chéo, chưa phân công rõ quyền lợi và tránh nhiệm của người có uy tín, chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng.


Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Hà An

“Chính sách vào cuộc sống cần một tấm lòng”

Để người uy tín thực sự là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần có các chính sách cụ thể để người có uy tín phát huy được vai trò của mình. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần cung cấp phương tiện nghe nhìn cho người uy tín. Cùng với đó, quan tâm động viên cả vật chất và tinh thần thông qua các hoạt động thăm hỏi, tuyên dương, khen thưởng, khám chữa bệnh, tham quan, học tập. Đặc biệt, với những khó khăn, bức xúc của cộng đồng khi có đề nghị của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ phải được cơ quan và người có trách nhiệm xem xét, nghiêm túc, giải quyết thấu đáo. Những việc chưa giải quyết được phải có sự phản hồi cụ thể, rõ ràng, thuyết phục. Như vậy, tiếng nói của họ mới thực sự đi vào lòng người. Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Dân vận Trung ương, các bộ, ngành tham mưu cho Đảng và Nhà nước tiếp cận chính sách theo hướng này.

Ngoài ra, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan hữu quan nên nghiên cứu xây dựng một định danh là người cốt cán trong đồng bào thiểu số trong các lĩnh vực. Điều này nhằm mục đích phát huy trí tuệ, tâm huyết, sức mạnh lan tỏa của  đội ngũ này để tham gia hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hiến kế giải quyết những việc khó, việc phức tạp, làm “sợi chỉ hồng” kết nối các dân tộc thiểu số, tăng thêm sức mạnh đoàn kết, niềm tin vào Đảng và Nhà nước, không nghe, không tin, không sợ, không làm theo kẻ xấu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới cách tiếp cận công tác tuyên truyền, vận động ở vùng dân tộc thiểu số và vùng miền núi. Tăng cường nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội làm chuyển biến rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bởi đời sống được nâng lên thì lòng tin sẽ không ngừng được củng cố và tăng cường. Bố trí sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với khả năng của người có uy tín. Thường xuyên quan tâm và thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín. Chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nghề, thực hiện chính sách đặc thù tuyển dụng cán bộ, công chức, người dân tộc thiểu số làm việc trong hệ thống chính trị bởi “chúng tôi nói về chúng tôi” sẽ hiệu quả hơn.

Hà An