Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Bổ sung quy trình phản biện xã hội của Mặt trận

- Thứ Tư, 18/03/2020, 07:42 - Chia sẻ
Mặc dù tại Chương VI của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng cả trong Luật MTTQ Việt Nam và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đều chưa quy định rõ phản biện xã hội được thực hiện như thế nào trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã làm việc với Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và thống nhất bổ sung quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ngay trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chưa cụ thể và thống nhất

Tại Kỳ họp thứ Tám, khi Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lên tiếng về tình trạng cài cắm “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, đây là vấn đề trăn trở của nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân đối với hệ thống pháp luật. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng từng đề cập đến thực tế vẫn tồn tại nhiều văn bản hướng dẫn thể hiện tính cục bộ. Tình trạng “cuốc giật vào lòng” vẫn tồn tại, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, là rào cản trong cuộc sống. Có một số trường hợp, Chính phủ đã thống nhất quan điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đại diện các bộ, ngành vẫn nói ngược lại để bảo vệ lợi ích riêng của ngành, bộ mình.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban Pháp luật tổ chức tháng 2.2020

Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động không chỉ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn là hoạt động thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật thể hiện được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia phản biện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có thể xem là một biện pháp mở rộng dân chủ trong xây dựng pháp luật, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Tuy nhiên, theo Báo cáo nghiên cứu, xem xét và kiến nghị, sửa đổi một số quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, quy định về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác góp ý, phản biện xã hội và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chung chung, chưa thật đầy đủ, chưa quy định cụ thể hoặc quy định chưa thống nhất với các luật có liên quan hoặc thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.

Mặc dù Luật MTTQ Việt Nam có quy định về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ nhưng do đây là luật về tổ chức hoạt động, thẩm quyền nên chưa thể quy định một cách đầy đủ về quy trình, thủ tục của phản biện xã hội. Sau này, Nghị quyết số 403/2017/NQLT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng mới chỉ làm rõ thêm các hình thức phản biện xã hội còn quy trình thủ tục chưa rõ.

Do đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, bổ sung vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam theo hướng bảo đảm MTTQ thực hiện vai trò phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực chất hơn; bảo đảm các ý kiến tham gia góp ý của MTTQ được phản hồi, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phải khách quan, khả thi

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động xét xử, hoạt động thanh tra, hoạt động giám sát đều có sự tham gia của nhân dân, MTTQ Việt Nam. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc bảo đảm sự tham gia, phản biện của nhân dân và MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay - dù đã qua các khâu thẩm định, thẩm tra của các cơ quan trong quy trình lập pháp nhưng vẫn tồn tại tình trạng “lợi ích nhóm”, “lợi ích ngành” trong xây dựng pháp luật. Việc quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy trình thủ tục phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam như một thủ tục bắt buộc trong quy trình lập pháp là yêu cầu tất yếu, khách quan để thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Tán thành với việc bổ sung quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam vào quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là những tổ chức có đầy đủ thông tin, nhiều kỹ năng để góp ý phản biện vào các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Ông Nguyễn Mai Bộ cũng đề nghị, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có thêm quy định về việc bổ sung văn bản phản biện của MTTQ để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả thực thi.

Từ góc độ của cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, cần quy định rõ phản biện xã hội được thực hiện cụ thể như thế nào trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại Thông báo Kết luận số 160-TB/TW ngày 15.1.2020 của Bộ Chính trị  giao “Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xem xét đưa hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu tiếp thu nội dung này.

Theo đó, các cơ quan thống nhất bổ sung vào Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật một khoản quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của MTTQ, trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ thời điểm phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản và văn bản phản biện xã hội phải được gửi kèm theo hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền; một số nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội được thực hiện theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Khoản 2, Điều 6).

Các cơ quan thống nhất việc bổ sung quy định về phản biện xã hội như trên đã thể chế hoá đúng Kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm sự kết nối giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật MTTQ Việt Nam, là giải pháp tối ưu trong điều kiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhật An