Chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam

Bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3

- Thứ Bảy, 30/11/2019, 07:03 - Chia sẻ
Đây là đề xuất của Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Trung tướng, PGS.TS. Nguyễn Thế Lực. Lý giải cho đề xuất của mình, Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến những người bị ảnh hưởng chất độc hóa học, trong đó có các cháu. Nhờ đó, đời sống một bộ phận các cháu được cải thiện. Tuy nhiên, cháu ruột (bị bệnh tật, dị dạng, dị tật do di chứng da cam) của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hiện nay chưa được đưa vào khung chính sách ưu đãi người có công như chủ trương của Đảng và nhà nước, mà được hưởng theo chế độ bảo trợ xã hội của Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 năm 2010.

Chưa cụ thể, khó tiếp cận

Theo Trung tướng Nguyễn Thế Lực, cần sớm tổ chức khảo sát, điều tra đối tượng các cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, số cháu bị di chứng, bệnh tật, dị dạng, dị tật. Trong đó, cách xác nhận các đối tượng trên căn cứ vào việc có ông hoặc bà hoặc cả ông, bà nội hoặc ngoại tham gia kháng chiến, hoạt động ở khu vực bị phun rải; bản thân các cháu bị bệnh tật, dị dạng, dị tật (theo quy định như với con đẻ).

Trong Tờ trình Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ để thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đã nêu 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, trong đó có 2 vấn đề về chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Theo Tờ trình, sau khi nghiên cứu ý kiến tham gia, Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị chưa bổ sung chính sách ưu đãi cho đối tượng này vào Pháp lệnh sửa đổi, mà tiếp tục thực hiện chế độ bảo trợ xã hội như hiện nay.

Tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Thế Lực, hiện nay cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 và Nghị định 28/2012/NĐ - CP. Theo đó, trong số khoảng 7,2 triệu người khuyết tật, chỉ một bộ phận người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng mới có thể được hưởng. Trong số người khuyết tật được hưởng, chỉ có phần nhỏ các cháu là nạn nhân chất độc da cam. Mức hưởng rất thấp, trước đây chỉ được khoảng 100 nghìn đồng/tháng. Đến khi có Nghị định 136/NĐ-CP 21/10/2013 đã nâng mức chuẩn lên 270.000 đồng (mức hưởng loại nặng = 1 lần mức chuẩn = 270.000 đồng, loại đặc biệt nặng = 2 lần mức chuẩn = gần 600.000 đồng). Ngoài ra, theo quy định, các cháu được hưởng một số hỗ trợ khác (hỗ trợ việc làm, vay vốn, dịch vụ y tế, miễn giảm học phí, tham gia giao thông, sử dụng các công trình văn hóa…), nhưng do chưa có chế tài cụ thể, rất khó để tiếp cận các hỗ trợ này.

Thực tế cũng cho thấy, chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không chỉ gây hậu quả nặng nề với sức khỏe những người bị phun rải trực tiếp, mà còn di chứng đến con cháu của họ. Đã có khoảng 572 công trình khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong và ngoài nước đã khẳng định: Chất độc da cam tác động hệ thống di truyền, gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây ra rất nhiều dạng rối loạn của hệ thống di truyền tế bào (chuyển đổi các đoạn, gẫy/mất đoạn nhiễm sắc thể; đa nhiễu loạn nhiễm sắc thể, nhiễm sắc tử...) và ảnh hưởng di truyền tới nhiều thế hệ sau phơi nhiễm, gây ra tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư ở con và cháu những người trực tiếp bị phơi nhiễm.

Cần có khung chính sách đãi ngộ

Theo thống kê sơ bộ của hệ thống Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kết hợp khảo sát do Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành tổ chức thực hiện, năm 2015 - 2017 cả nước có khoảng 59.000 các cháu bị di chứng chất độc da cam, trong đó có khoảng 26.000 cháu ruột của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (cần có khảo sát lại để có con số chính xác). Đối tượng này có ở tất cả các tỉnh, thành; tỉnh rất ít chưa tới 100 cháu; tỉnh ít thì có khoảng 100 - 200 cháu; phổ biến là 400 - 500 cháu; tỉnh khá nhiều từ 750 đến dưới 1.000 cháu; tỉnh nhiều nhất trên 1.200 cháu.  Các cháu được sinh khoảng từ năm 1900 đến 2002.

Từ thực tế trên, Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho rằng, cần đưa đối tượng cháu ruột người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị di chứng, bệnh tật, dị dạng, dị tật vào khung chính sách ưu đãi người có công như Thông báo số 69 - TB/TW ngày 5.7.2002 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19.7.2017 và Chỉ thị số 43- CT/TW ngày 15.4.2015 của Ban Bí thư, Quyết định 651/QĐ-TTg ngày 1.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không đưa đối tượng trên vào khung chính sách ưu đãi người có công là có phần chưa thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước.

“Chỉ thị số 43- CT/TW ngày 15.4.2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị ảnh hưởng chất độc hóa học”. Đáng chú ý, theo Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19.7.2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng khẳng định “... thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học…”. Chính vì vậy, việc bổ sung chính sách ưu đãi đối với người bị ảnh hưởng chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là việc làm cần thiết ” - Trung tướng Nguyễn Thế Lực nhấn mạnh.

Bảo Anh