Bỏ phiếu bất tín nhiệm<BR>Quốc hội Slovenia: Chất vấn là cơ sở để kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm

- Thứ Sáu, 29/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
Ở Quốc hội Slovenia, chất vấn là cơ sở để nghị sỹ có thể kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Sau khi phiên chất vấn về hoạt động của Chính phủ hoặc của một bộ trưởng kết thúc, ít nhất mười nghị sỹ Quốc hội nước này có thể yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ hoặc bộ trưởng đó. Kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi kết thúc chất vấn luôn được ưu tiên biểu quyết trước kiến nghị về việc đánh giá trả lời chất vấn của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với trường hợp bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ, các nghị sỹ đưa ra kiến nghị cũng phải đồng thời đề xuất ứng viên Thủ tướng Chính phủ mới, lúc đó cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới được tiến hành.

Sau khi nhận được kiến nghị của ít nhất mười nghị sỹ về bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ và bầu Thủ tướng mới, Chủ tịch Quốc hội phải gửi ngay kiến nghị đó đến Thủ tướng Chính phủ, Tổng thống và tất cả các nghị sỹ. Trước khi bầu Thủ tướng mới, Thủ tướng hiện hành được phát biểu tranh luận về kiến nghị của các nghị sỹ và trình bày quan điểm về hoạt động của Chính phủ cho đến thời điểm đó.

Nếu có nhiều kiến nghị đề cử ứng viên Thủ tướng mới, các kiến nghị đó được đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp theo thứ tự trình. Việc biểu quyết đối với từng ứng viên Thủ tướng sẽ được tiến hành riêng biệt và không sớm hơn 48 giờ, không muộn hơn 7 ngày làm việc sau khi kiến nghị được trình.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng có thể gửi văn bản đến Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ. Việc bỏ phiếu diễn ra không sớm hơn 48 giờ, không muộn hơn 7 ngày làm việc sau khi kiến nghị được trình. Thủ tướng Chính phủ có thể trình bày về kiến nghị trước khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra.

Thủ tướng Chính phủ có thể gắn việc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ với việc thông qua một dự luật, có nghĩa là thái độ của Quốc hội đối với dự luật (tán thành hay không tán thành) cũng là thái độ đối với Chính phủ (tín nhiệm hay không tín nhiệm). Trong trường hợp này, Thủ tướng sẽ nêu vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ trước khi Quốc hội biểu quyết về dự luật. Quốc hội sẽ không bỏ phiếu tín nhiệm riêng, mà thay vào đó, kết quả biểu quyết dự luật cũng chính là kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu Quốc hội biểu quyết tán thành dự luật của Chính phủ, mặc nhiên cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ đã được thông qua. Ngược lại, nếu Quốc hội biểu quyết không ủng hộ dự luật, mặc nhiên cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ không thành công. Trong trường hợp thứ hai, Tổng thống Slovenia, các nhóm đảng, hoặc ít nhất mười nghị sỹ có quyền đề xuất ứng viên Thủ tướng trong vòng bảy ngày.

Trong trường hợp Chính phủ không nhận được sự tín nhiệm của Quốc hội, Tổng thống có thể yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm lại, nhưng chỉ được lại một lần. Nếu cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần một gắn với biểu quyết một dự luật, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần hai không được gắn với dự luật nữa.

Nếu bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc không thành công trong bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng phải thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch Quốc hội về việc từ chức của mình hoặc của Bộ trưởng. Thông báo về việc từ chức này phải được đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp Quốc hội trong vòng bảy ngày sau khi nhận được thông báo.

Hoài Thu