Trò chuyện đầu tuần

Bình tĩnh, cầu thị, sẵn sàng nhận trách nhiệm

- Thứ Hai, 04/11/2019, 07:45 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tỉnh Quảng Bình NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG tin rằng, các Bộ trưởng đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 3 ngày tới, 6 - 8.11. Bộ trưởng, trưởng ngành nào trả lời cầu thị, không né tránh vấn đề, với tâm thế bình tĩnh và sẵn sàng nhận trách nhiệm, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng tốt trong lòng cử tri và nhân dân.

Dành nửa ngày chất vấn Thủ tướng Chính phủ

- Theo chương trình, trong tuần này, QH sẽ dành ba ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đây luôn là nội dung rất quan trọng được cử tri và nhân dân chờ đợi, theo dõi. Cá nhân ông nói gì về phiên chất vấn lần này?

- Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao của QH đối với Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận, nhân dân, cử tri đều mong được Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải trình và nêu rõ các biện pháp cụ thể tháo gỡ vấn đề. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri, nhân dân, các ĐBQH cũng có cơ sở để đánh giá năng lực, vai trò, trách nhiệm của các vị trưởng ngành đối với lĩnh vực mình phụ trách.


Ảnh: Quang Khánh

Lần này, chúng ta sẽ chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trả lời chính của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian chất vấn được điều chỉnh tăng thêm nửa ngày so với 2 ngày rưỡi của các phiên chất vấn tại những kỳ họp trước. Và nửa ngày đó, dự kiến dành cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước QH và đồng bào, cử tri cả nước. Những phiên chất vấn trước, thông thường, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn trong khoảng vài chục phút, chưa kể thời gian đọc báo cáo. Nhưng qua tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về việc cần dành thêm thời gian thỏa đáng hơn để Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH, QH đã có sự điều chỉnh rất linh hoạt, phù hợp. Phiên chất vấn đối với người đứng đầu Chính phủ cũng không bị giới hạn bởi nhóm vấn đề.

- Cá nhân ông quan tâm đến lĩnh vực nào trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này?

- Điều mà tôi và tất cả các ĐBQH khác cùng quan tâm là các Bộ trưởng, trưởng ngành đã làm gì, cần làm gì và giải thích như thế nào về những vấn đề lâu nay ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng hứa nhưng chưa thực hiện thành công. Chúng ta vẫn nhắc đi, nhắc lại vấn đề đã cũ. Đó là tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống gian lận thương mại; vấn đề tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của ngành nông nghiệp hay tình trạng tin nhắn rác, quản lý các trang thông tin, mạng xã hội…

Tôi nhớ, tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 của QH Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thực hiện nhiệm vụ thứ 12 của Nghị quyết với các nội dung cụ thể: “Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin, tạo chuyển biến rõ nét trong việc định hướng tuyên truyền, quản lý nội dung thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng; chú trọng tuyên truyền về hội nhập quốc tế, khắc phục có hiệu quả tình trạng sim rác, tin nhắn rác; phát triển hệ thống viễn thông đúng quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm an toàn”. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, đến nay tin nhắn rác dường như ngày càng nhiều hơn; nhiều trang thông tin vẫn đưa các nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lãnh đạo, cán bộ, công chức; chúng ta vẫn chứng kiến các hành vi lừa đảo qua không gian mạng, thậm chí thế lực phản động còn kích động xúi giục người dân chống phá Đảng, Nhà nước từ mạng xã hội. Những vấn đề này cần được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời, giải trình, làm rõ.

Tranh luận thay vì “chen luận”

- Với hoạt động chất vấn, từng có Bộ trưởng chia sẻ rất thật rằng, dù chuẩn bị khá kỹ nhưng cũng không tránh khỏi tâm trạng căng thẳng trong quá trình trả lời chất vấn. Đây có lẽ cũng là tâm trạng dễ hiểu. Từ góc độ người đưa ra chất vấn, theo ông, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần chuẩn bị tâm thế như thế nào để có thể hoàn thành trọng trách trước QH và đồng bào, cử tri cả nước trong 3 ngày tới đây?

- Không chỉ các Bộ trưởng, trưởng ngành mà tôi cho rằng, các ĐBQH đều phải chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là những yếu tố bảo đảm cho thành công và sự hấp dẫn của phiên chất vấn. Hiện nay, QH đã thực hiện cải tiến, đổi mới “hỏi 1 phút - đáp 3 phút”. Vì thế, yêu cầu đặt ra với các ĐBQH là cần chất vấn ngắn gọn hơn, đi thẳng vào nội dung cần chất vấn. Đặc biệt, cần thực hiện đúng ý nghĩa của việc tranh luận thay vì “chen luận”.

Đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành, thời gian 3 phút là giới hạn giúp các Bộ trưởng, trưởng ngành chủ động ngắn gọn trong trả lời, hạn chế tối đa những giải trình dài dòng, né tránh, hoặc không đi đúng trọng tâm vấn đề. Đương nhiên, để có thể trả lời chất vấn tốt, các Bộ trưởng, trưởng ngành phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bộ trưởng, trưởng ngành nào trả lời cầu thị, với tâm thế bình tĩnh, tự tin và sẵn sàng nhận trách nhiệm, chắc chắn sẽ “ghi điểm”, để lại ấn tượng tốt trong lòng cử tri và nhân dân. Vì suy đến cùng, thì chất vấn không phải là làm khó Bộ trưởng, trưởng ngành, mà đều là cộng đồng trách nhiệm, thúc đẩy giải quyết rốt ráo những hạn chế, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, đáp ứng đòi hỏi của cử tri và nhân dân.

- Qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, khá nhiều ý kiến kỳ vọng về sự xuất hiện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ với mong muốn sẽ có những trả lời xác đáng liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức - một vấn đề hệ trọng, nhạy cảm vì đụng đến con người…, thưa ông?

- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những Nghị quyết được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang đồng lòng triển khai thực hiện. Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phố đã thực hiện rất nghiêm túc. Chúng ta giảm về số lượng tổ chức, về lãnh đạo bộ máy, tinh giản những công chức “sáng xách ô đi, tối cắp ô về”, hướng đến “ít nhưng tinh”, hiệu quả cao và phải lựa chọn được những người tài, người có năng lực cống hiến, làm việc trong bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, có lẽ cần đúc rút bài học kinh nghiệm mà trước kia đã từng làm và nay lại mắc phải, như chủ trương sáp nhập nhiều tổ chức, nhưng sau lại tách ra. Trong câu chuyện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy này, chúng ta không chỉ thực hiện tinh giản mà một vế rất quan trọng của Nghị quyết 18 là “nâng cao hiệu lực, hiệu quả”. Việc thực hiện Nghị quyết này cần làm quyết liệt nhưng phải theo đúng trình tự; nhanh hay chậm tùy theo đặc thù, điều kiện cụ thể từng nơi. Quan trọng là khi triển khai thực hiện phải có đánh giá, tổng kết kỹ lưỡng, làm từng bước và thận trọng.

- Xin cám ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện