Tản mạn

Bình thường hóa Mỹ - Việt và kho hàng của bố tôi

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 06:03 - Chia sẻ
Ở nhà tôi, có mấy lần tôi nghe lỏm mẹ hỏi bố là thế bây giờ cho hai đứa trẻ con học tiếng Nga hay tiếng Anh (nhà tôi có truyền thống tiếng Nga). Mấy hôm sau, bố tôi bảo mẹ: "Thôi, cho con học tiếng Anh thôi mẹ cu ạ!".

Bình thường hóa Mỹ - Việt được báo chí công bố rầm rộ vào ngày 11.7.1995. Lúc đó tôi vừa học xong lớp một. Chỉ từ 1989 - 1995 mà có bao nhiêu sự kiện lớn diễn ra. Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi được cập nhật các sự kiện này tương đối đầy đủ nếu xét trên trí lực của một trẻ 6 tuổi. 

Năm 1994 ở Hà Nội, hàng hóa vẫn còn khan hiếm, chủ yếu là đồ Liên Xô, Trung Quốc. Nhà tôi có một kho đồ Liên Xô còn sót lại từ thời bố tôi đi nghiên cứu bên Tây mang về. Nhiều hàng đủ các loại: công tơ, cầu chì, máy xay xát, máy phóng ảnh, máy ảnh, nồi áp suất, bộ đàm và mấy kiện sách Vật lý, sách Văn học...

Những năm ấy, thỉnh thoảng lại có khách đến mua đồ Liên Xô nhưng tôi thấy bố không bán được là bao. Sách vở thì là tuyệt đối không được bán (hoặc không bán được). Bố tôi giữ lại hết, lâu lâu lại còn đem cho người ta mượn để nghiên cứu luận án phó tiến sĩ. 

Sau này lớn lên tôi nhận ra là bố tôi không có máu kinh doanh. Khách đến mua, ông toàn mời vào nói chuyện uống nước chè, hàng xem có cho được thì cho, còn không cũng để đấy, dù chẳng bao giờ dùng. Có cái máy động cơ là món xịn, tôi thấy bố để trong phòng ngủ bố mẹ mãi một thời gian dài cho đến năm tôi lỡ tay đốt nhà thì nó bị cháy mất. Năm ấy bố tôi giận lắm, có thể coi đó là di sản về hàng hóa cuối cùng mà ông giữ lại từ thời Xô Viết. Còn mấy món lặt vặt như máy phóng ảnh, máy ảnh, hay máy trắc địa... thì sau cùng bố tôi giữ lại để dạy học. 

Món hàng có giá trị nhất theo nhận định của tôi là chiếc tivi màu và mấy cái cặp số ca-táp đúng chuẩn. Hồi trước tôi vẫn mượn bố ca-táp để đi nước ngoài, nhìn cực chất, đúng kiểu cặp da đen, viền mạ kẽm sáng loáng (làm riêng cho nhà khoa học Liên Xô và Đông Đức). Cặp này xách đi sang Tây người ta nhìn cũng nể. Còn cái tivi màu thì phải nói là quý lắm vì thời ấy làm gì có mấy đâu. Mỗi lần có bóng đá hay sự kiện thể thao là hàng xóm lại kéo sang xem cho vui. 

Dông dài một tý để thấy rằng, tầm 1994 thì hàng hóa vẫn còn ít lắm. Tôi còn bé, chưa ý thức được vấn đề này. Chỉ biết là nhà mình có hàng của Liên Xô là tốt lắm rồi. Thi thoảng tôi nghe bố mẹ nói chuyện về cấm vận, nghe có vẻ ghê, hỏi ra thì biết là nước Mỹ họ cấm vận mình. Mẹ tôi giải thích cho tôi "cấm vận" là người ta cấm mình buôn bán với người ta. Điều cuối cùng đọng lại trong tôi là mình nghèo vì Mỹ cấm vận mình. Tôi cứ hình dung ra cảnh mình ra bách hóa mà người ta không chịu bán hàng cho mình, thì đúng là cũng khổ thật. 

Một ngày hè 1995, tôi xem trên tivi thấy có ông Tổng thống gì đó của Mỹ, trông rất đẹp trai. Ông Bin-Clin tơn này cùng với vợ của ông ấy đi thăm Việt Nam rồi còn cười nói rất lịch sự với người Việt Nam.

Năm đó, tôi thì vẫn nghĩ là Việt Nam mình từng đánh nhau với Mỹ, sao lại vui vẻ với người ta như vậy. Mẹ tôi bảo rằng chiến tranh cũng chấm dứt hơn 20 năm trước rồi nhưng bây giờ mình mới có quan hệ ngoại giao bình thường với người ta. Tôi cũng không biết có nên làm như vậy không nhưng trên tivi thấy tất cả người Việt Nam đều tươi cười và vỗ tay thì chắc là ổn rồi. Kể từ đó, mỗi khi chơi trận giả với anh trai tôi (chúng tôi hay giả vờ là các phe trong Chiến tranh lạnh), tôi đã bắt đầu thử chọn phe Mỹ, dù rằng trước đó hai anh em tranh nhau chọn Liên Xô.

Đến đây lại phải nói về cái kho hàng Liên Xô của bố tôi, từ sau 1995 thì gần như không còn ai đến hỏi mua nữa. Cá nhân tôi đôi khi cảm thấy hụt hẫng, tôi hỏi bố tôi rằng thế bây giờ nước mình không chơi với nước Nga nữa à. Bố bảo vẫn chơi nhưng bây giờ mình được buôn bán với Mỹ rồi thì hàng Mỹ cũng tốt như hàng Nga và người ta được lựa chọn cái thứ người ta muốn; và rằng đó là thị trường tự do con ạ! Đến năm học lớp 3, lớp của chúng tôi bắt đầu được học ngoại ngữ, tiếng Anh, tôi khoe mẹ, mẹ tôi bảo là bên Mỹ người ta cũng nói tiếng Anh, nếu tôi học ngoan sau này mẹ sẽ cho đi học ở Mỹ. Tôi rất sửng sốt vì cho đến thời điểm đó, tôi cứ đinh ninh rằng tương lai của mình sẽ là một nhà khoa học nghiên cứu ở Liên Xô. Ở nhà tôi, có mấy lần tôi nghe lỏm mẹ hỏi bố là thế bây giờ cho hai đứa trẻ con học tiếng Nga hay tiếng Anh (nhà tôi có truyền thống tiếng Nga). Mấy hôm sau, bố tôi bảo mẹ: "Thôi, cho con học tiếng Anh thôi mẹ cu ạ!".

Bình thường hóa với Mỹ đợt 1994 - 1997 đối với cá nhân tôi đã được đúc kết lại bằng quyết định ấy của bố tôi. Giọng bố có nét đượm buồn (thật ra giọng ông gần như lúc nào cũng trầm buồn). Có lẽ ông cho rằng đường học của nhà tôi đằng Nga văn đã kết thúc vào năm đó. Sau này quan sát lại, tôi hiểu ra đó là sự chuyển dịch của cả một thời đại mà gia đình nhỏ của tôi ở Hà Nội cũng không nằm ngoài tác động của nó. Mỗi khi nhắc lại, trong lòng tôi lại dâng trào một nỗi nhớ, thấy thương bố mẹ tôi vô cùng dù tôi chưa bao giờ định nghĩa được tình cảm ấy bắt nguồn từ lý do cụ thể nào.

Lê Quang