Bệnh viện tuyến huyện ở ĐBSCL: Xoay xở với tình trạng thiếu bác sỹ

- Thứ Bảy, 18/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Các bệnh viện tuyến huyện ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có những cách ứng phó khác nhau trước tình trạng thiếu bác sỹ trầm trọng.

04-Xoay-xo-35210-300.jpg

Chỗ nào cũng thiếu

“Chục năm nay, Bệnh viện đa khoa Châu Thành không có bác sỹ chính quy nào về làm việc. Nói thiệt, nhiều khi, chúng tôi cũng không dám đề nghị trên hỗ trợ máy móc hiện đại vì không có người sử dụng được”, bác sỹ Lê Thị Duyên Thắm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Châu Thành, Bến Tre cho biết. Bác sỹ Thắm lo ngại tình trạng thiếu hụt nhân lực sẽ trầm trọng hơn trong 5 - 7 năm tới, khi một lớp bác sỹ của Bệnh viện đến tuổi nghỉ hưu.

Một đồng nghiệp của bác sỹ Thắm, bác sỹ Lê Phi Long, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Minh, huyện Mỏ Cày Nam, thở dài: “Khoa nào chúng tôi cũng thiếu bác sỹ. Hai năm rồi chúng tôi không có thêm bác sỹ chính quy nào!”. Bởi vậy, việc triển khai những kỹ thuật mới trở nên khó khăn, thậm chí ngay cả khi tiền không phải là vấn đề. “Chúng tôi muốn triển khai kỹ thuật chụp CT nhưng cả khoa chẩn đoán hình ảnh chỉ có 1 bác sỹ X - quang nên không thể cử bác sỹ này đi học được”, bác sỹ Long cho hay. Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa Cù Lao Minh vẫn chưa sử dụng hết 27 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư dành cho bệnh viện tuyến huyện. Theo lời bác sỹ Long, phải có nhân lực, bệnh viện mới dám mua sắm thiết bị.

 Không đến nỗi bi đát như Bệnh viện đa khoa Châu Thành, song từ khi thành lập (năm 1999) đến nay, Bệnh viện đa khoa Vị Thủy, Hậu Giang cũng chỉ có 2 bác sỹ chính quy về làm việc. Với tổng số 12 bác sỹ trong số 77 biên chế, Bệnh viện đa khoa Vị Thủy gặp khó khăn trong việc tiếp nhận sự hỗ trợ của tuyến trên và giúp đỡ tuyến dưới theo tinh thần Đề án 1816.

PGS. TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhận định, hiện nay ở ĐBSCL, nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt và mất cân đối nhất cả nước. Chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng được cho là nguyên nhân chính khiến sinh viên ngành y sau khi tốt nghiệp không muốn về công tác ở tỉnh, huyện nhà. Nhiều sinh viên khác có suy nghĩ, về địa phương làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu và yếu, sẽ khó phát huy được năng lực và kiến thức học ở trường sẽ bị bỏ phí, rơi rụng.

Khéo co cũng khó ấm

Bệnh viện đa khoa Long Mỹ, Hậu Giang là một trường hợp khá đặc biệt khi không phải chịu nhiều áp lực về nguồn nhân lực. Ngoài 32 bác sỹ đang làm việc, Bệnh viện đang nuôi 3 sinh viên y khoa học năm cuối, vốn là con em trong huyện. Bác sỹ Phan Thanh Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện có chính sách ưu đãi nhằm thu hút bác sỹ chính quy. Cụ thể, một bác sỹ chính quy khi về công tác tại Bệnh viện đa khoa Long Mỹ sẽ được hỗ trợ 17 triệu đồng. Đối với những sinh viên y khoa được Bệnh viện hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong năm học cuối cùng, khi về công tác tại đây, được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. “Nguồn kinh phí này chúng tôi lấy từ Quỹ Đào tạo của bệnh viện”, bác sỹ Thuấn cho biết. Lý giải chủ trương này, dược sỹ Trần Hiếu Đạo, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Long Mỹ nói: lực hút với nhân lực ngành y ở địa phương hiện nay quá lớn, bởi huyện chỉ cách TP Cần Thơ 60km, bên cạnh các phòng khám tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều và chi trả lương hậu hĩnh, Hậu Giang còn có một bệnh viện 500 giường đang trong quá trình xây dựng. “Nếu mình không có cơ chế ưu đãi, thu hút bác sỹ thì cũng không thể giữ được ngay cả con em địa phương”, dược sỹ Đạo nói. Nhờ có nguồn nhân lực tốt, Bệnh viện đa khoa Long Mỹ đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân trong tỉnh và thu hút được nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...

Tuy nhiên, không phải bệnh viện tuyến huyện nào cũng làm được như Bệnh viện đa khoa Long Mỹ. Lãnh đạo Bệnh viện này thừa nhận, trong tỉnh Hậu Giang, “chưa nghe tuyến huyện nào làm được như vậy”. Bác sỹ Đỗ Thanh Diệp, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Vị Thủy, Hậu Giang cho rằng, thu hút bác sỹ chính quy là rất khó. “Ban lãnh đạo Bệnh viện Vị Thủy đã nghĩ tới cách làm của Long Mỹ nhưng có một thực tế là ở bệnh viện tỉnh cũng thiếu trầm trọng và họ cũng trải thảm đỏ cho bác sỹ về, trong khi các bác sỹ khi ra trường cũng muốn làm việc ở tỉnh hơn”.     

Đánh giá cách làm của Bệnh viện đa khoa Long Mỹ rất hay, nhưng bác sỹ Lê Thị Duyên Thắm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Châu Thành, Bến Tre không nghĩ có thể áp dụng được cho đơn vị mình vì lý do tài chính. “Tôi nghĩ, tỉnh phải có sự hỗ trợ cho bệnh viện trong việc này”, bác sỹ Thắm bày tỏ quan điểm. Giải pháp trước mắt của Bệnh viện đa khoa Châu Thành là thực hiện hình thức đào tạo theo địa chỉ, hoặc đào tạo tại chỗ (cho các y sỹ đi học chuyên tu).

Mặc dù biết rằng phải có nhân lực chất lượng cao để ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh, người dân mới tin tưởng bệnh viện tuyến huyện, qua đó, giảm sức ép cho tuyến trên nhưng bác sỹ Lê Phi Long thú nhận “không tìm ra được giải pháp” cho tình trạng thiếu bác sỹ chính quy. Ông nhắc đến việc Sở Y tế Bến Tre phối hợp với Đại học Y dược Cần Thơ và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh xin được một số chỉ tiêu ngành y với một niềm hy vọng mà tự ông cũng biết nó khá mong manh. Bác sỹ Long còn nỗi lo lớn hơn, khi mà giải pháp đưa y sỹ đi học chuyên tu đang trở nên bất khả thi vì hầu hết các y sỹ ở bệnh viện này đã và đang học nâng cao trình độ và “kiếm y sỹ giờ cũng khó”.

Không ít bệnh viện tuyến huyện ở ĐBSCL đang phải chấp nhận tình trạng bác sỹ chân trong chân ngoài, tức là vừa làm việc tại bệnh viện huyện, vừa làm thêm cho cơ sở y tế tư nhân vì theo lãnh đạo các bệnh viện này, nếu “không chấp nhận thì không có người làm”.

Hồng Loan