Đọc sách: Bên dòng sông Hằng

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:25 - Chia sẻ
LTS: Hãy cho biết anh đọc sách gì, tôi sẽ biết anh là ai.
Nhưng nhiều khi đã biết “mọt sách” là ai, ta vẫn tò mò muốn biết họ đang đọc gì, và họ có gì để giới thiệu cho mọi người cùng đọc.
“Ta đọc sách để biết mình không cô đơn. Ta đọc vì cô đơn. Ta đọc và không còn cô đơn nữa” (Gabrielle Zevin).
Đại biểu Nhân dân mở mục Đọc sách vào thứ sáu hàng tuần với cùng mong muốn cảm thông và chia sẻ như vậy.

(Endo Shusaku, Nguyễn Văn Thực dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn)

Cô gái Nhật Bản có lối sống buông thả bất cần, sau nhiều đổ vỡ đã lên đường theo dấu một người bạn trai cũ để tìm ra câu trả lời cho một số điều thường xuyên băn khoăn. Người bạn ấy của cô giờ đã theo con đường thiện nguyện tôn giáo.

Một ông già ở nước Nhật lên đường tìm kiếm kiếp sau của người vợ đã chết vì trọng bệnh, nghe đâu được đầu thai trong hình hài một đứa bé ở Ấn Độ.

Một ông già khác, tìm đến vùng đất tâm linh mong được cứu rỗi cho linh hồn mình và linh hồn một người đồng đội luôn sám hối vì tội lỗi gây ra trong chiến tranh.

Câu chuyện bắt đầu ở Nhật cho đến khi kết thúc ở bên bờ sông Hằng, đúng vào thời điểm bà Thủ tướng Indira Gandhi bị ám sát năm 1984. Nhóm người đang ở thành phố thiêng Varanasi, nơi người già cả ốm yếu đến đấy để chờ chết, sau khi chết được nhúng trong nước thánh sông Hằng mà nhẹ bước lên thiên đường.

Đầy ắp suy tư nhưng không nặng nề, trái lại hấp dẫn và thấm thía. Đấy là sự chiêm nghiệm của một cây bút lão luyện, một người từng trải không chỉ trong trường đời mà cả trong bề dày văn hóa phương Đông.

Một đoạn suy ngẫm của tác giả: “Không chỉ có các quốc gia, giữa các tôn giáo với nhau, cho tới nay, chống đối và thù hằn vẫn tiếp diễn. Chính sự khác biệt giữa các tôn giáo đã gây nên cái chết của nữ thủ tướng ngày hôm qua. Con người được gắn kết với nhau bằng hận thù hơn là bằng tình thương; và chính kẻ thù chung chứ không phải tình yêu đã tạo nên sự đoàn kết giữa người với người. Bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ tôn giáo nào cũng tồn tại theo cách đó trong suốt chiều dài lịch sử” (trang 292).

Người dịch nếu tiết giảm thổ ngữ phương Nam hơn nữa, văn phong sẽ bớt chất “tỉnh lẻ”, tác phẩm sẽ được tiếp nhận một cách tự nhiên và trung dung hơn.

Tạm nhặt một vài hạt sạn của bản dịch:

Trang 83: “chắc có lẽ anh thích đi xem”. 

Chỉ cần dùng “chắc anh thích đi xem” hoặc “có lẽ anh thích đi xem”.

Trang 219: “mới tập tễnh cầm bút”.

Đúng ra là “mới tấp tểnh cầm bút”. Tập tễnh là tình trạng bị thọt, chân tươi chân héo.

Trang 285: “Có hai ba con chó… chúng chỉ lóe mắt nhìn nhưng không vồ lại cắn”.

Chắc là người dịch dùng từ “không xồ lại” (“xồ lại” là phương ngữ Bắc Bộ, có nghĩa là “xô lại”).

Hồ Anh Thái