Tín dụng chính sách

Bệ đỡ vững chắc của người nghèo

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:45 - Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã làm cho 7,8 triệu người bị mất việc hoặc giãn việc; gần 31 triệu người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với khu vực hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách vẫn có hàng nghìn lao động có việc làm mới. Đây là nỗ lực của Chính phủ mà trực tiếp là Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc chăm lo, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.

Tạo việc làm cho gần 216 nghìn lao động

Vào những ngày cuối tháng 6, gia đình anh Lê Trạc Tiến ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, Bình Phước đã nhận được khoản vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH huyện Phú Riềng. Khoản vay đã giúp vợ chồng anh Tiến cải tạo lại vườn cao su và trồng rau, chăn nuôi gia cầm, cải thiện cuộc sống trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Chúng tôi như chết đuối vớ được cọc! Dịch dã khiến mọi thứ ngừng trệ. Công việc làm thuê của hai vợ chồng bấp bênh, nên nguồn vốn đã kịp thời giúp chúng tôi có tiền mua con giống, cây giống để chăn nuôi, trồng trọt, tự cung, tự cấp cho cuộc sống của 5 người trong gia đình” - anh Tiến nói.

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phú Riềng Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, đến ngày 21.6.2020, NHCSXH huyện đang quản lý 13 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, số tiền cho vay là 210 tỷ đồng với 8.281 hộ vay vốn. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, NHCSXH huyện giải ngân cho 1.125 hộ vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 37 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 44 khách hàng với số tiền 821 triệu đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp các gia đình khó khăn ở Quảng Trị tăng gia sản xuất và chăn nuôi, ổn định cuộc sống hàng ngày. Gia đình ông Nguyễn Xuân ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng là một ví dụ. Bị mất việc làm vì xưởng sản xuất nơi ông làm phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ được tiếp cận vay vốn của NHCSXH, nên gia đình ông Xuân đã chuyển hướng tăng gia sản xuất và chăn nuôi. Cuộc sống cũng khá ổn định.

Tính đến nay, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã cho vay trên 3.500 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn duy trì và mở rộng sản xuất, nhất là đối với quá trình sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh cũng đã thực hiện cơ chế quay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình trả lãi, trả nợ.

Có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, nguồn vốn tín dụng ưu đãi vẫn luôn là bệ đỡ của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đại dịch Covid-19 có thể làm cả thế giới điêu đứng nhưng người nghèo ở Việt Nam vẫn có thể trụ vững nhờ quyết tâm của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”; nhờ sự tận lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có NHCSXH. Qua đó, kịp thời hỗ trợ vốn cho người nghèo khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 216 nghìn lao động, trong đó 1,9 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Tín dụng chính sách luôn là bệ đỡ vững chắc của người nghèo  

Ảnh: T. Giáp

1,2 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn

Đến 30.6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng 14.666 tỷ đồng so với cuối năm 2019; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 12.760 tỷ đồng (6,2%) so với cuối năm 2019, với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,70% tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,25%/tổng dư nợ.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, 6 tháng qua, hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, đại dịch Covid-19 lan rộng, khó lường đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, khắc phục mọi khó khăn, toàn hệ thống đã thực hiện có kết quả trên các mặt hoạt động, với tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 42.583 tỷ đồng; với gần 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 29.670 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH theo Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10.7.2012 của Thủ tướng Chính phủ, do đó các đơn vị cần rà soát các nội dung công việc theo chiến lược, kế hoạch thực hiện Chiến lược của NHCSXH để chuẩn bị cho công tác đánh giá, tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, mưa đá tại các tỉnh phía Bắc... Đồng thời, giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng yêu cầu toàn hệ thống củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt, đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng còn thấp hoặc chưa ổn định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời những thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long gây ra, để triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.

Bình Nhi