Tản mạn

Bầy heo của mẹ

- Thứ Bảy, 06/05/2017, 08:25 - Chia sẻ
Hôm giờ, nghe đâu đâu cũng nói chuyện heo mất giá, càng nhớ bầy heo của mẹ đã gắn với suốt thời ấu thơ của mình.

Bố mẹ tôi dạy học, thu nhập duy nhất từ lương thời bao cấp không thể nuôi sống cả năm đứa con, đừng nói là ăn học. Ở quê nhưng không có ruộng, không có một nghề làm thêm nào. Có lẽ, cả nhà sẽ không biết xoay xở ra sao nếu không có bầy heo. Khu tập thể giáo viên hồi ấy, từ trường cao đẳng sư phạm, qua trường bổ túc rồi đến trường cấp III, không thầy cô nào không nuôi heo.

Tiền mua cám cho heo không đủ, nên ngoài giờ học là đi hái rau heo. Hái được mỗi bao rau hơn chục ký đủ các loại chắc phải đi bộ cỡ mười mấy cây số đường tàu, đường ruộng lẫn đường nhựa...


Nguồn: ITN

Những năm nhà nuôi heo nái, đôi khi mẹ tôi mệt, tôi kiêm luôn phần đỡ đẻ. Con heo chuyển dạ, tôi mướt mải đi kiếm một ôm rơm khô, ngăn chuồng, trải rơm vào. Lại kiếm một cái thùng gỗ, lót vào đấy quần áo cũ. Bắc lên bếp một nồi nước sôi. Nấu cháo, đập hai cái hột gà cho con heo mẹ ăn lấy sức. Khi nó đẻ thì bắt con, lau sạch nhớt, cột và cắt rốn, lấy kềm bấm hai cái nanh của nó rồi thả vào thùng gỗ...

Có năm heo bị dịch bệnh, nhà buồn như đám ma. Bầy heo là tất cả quần áo sách vở, vé tàu về thăm quê, là tiền ăn học của ông anh trong Sài Gòn... Một thời, bầy heo là niềm tin hy vọng về tương lai...

Trước đó nữa, thời ngăn sông cấm chợ, thương nghiệp bán cám cho hộ chăn nuôi, khi xuất chuồng phải bán heo cho Nhà nước. Và họ không trả tiền mà trả bằng hàng đối lưu, khi thì vải, khi thì phiếu mua thịt, khi thì xăm lốp xe đạp và cả thuốc lá. Nhưng khổ nỗi, hàng đối lưu chỉ là hàng tồn kho, đôi khi bán ra chợ chẳng ai mua hoặc mua với giá rẻ mạt. Hình như tới năm tôi học cấp III, nhà mới có chỉ vàng đầu tiên từ tiền bán heo. Ông bà giờ vẫn nói: “Chúng mày cưỡi heo vào đại học”. Còn thầy cô giáo trường mình ngày ấy nói là heo nuôi thầy cô giáo.

Giờ, mỗi lần đi công tác xa, nhìn những bờ ruộng mấp mô bạc phếch lại nhớ ngày đi hái rau heo. Qua những cái đìa với mấy cọng rau muống dại màu tím, cũng nhớ. Riêng có cái món “đặc sản” gai hắc hầu (cỏ mỹ) thì hình như không nhiều nơi có. Nó là quả của một loại cỏ, khi chín khô nó tách thành sáu múi, mỗi múi có một cây gai nhọn hoắt. Hạn hán cỡ nào nó cũng sống, càng nắng càng nhiều quả gai. Nếu mà đếm, chân tôi chắc dẫm mấy ngàn cây gai loại đó trên những lối mòn đi hái rau cho heo. Sau này chân chai sần, chỉ những cây gai ngoan cố đâm sâu thì mới phải dùng kim lể nó ra, còn thì nếu chỉ gãy mũi vào phần da chai sạn ấy thì mặc kệ.

Hôm giờ giải cứu heo, tôi cứ nhớ hoài học kỳ I năm lớp 11. Bố tôi ốm một trận tưởng chết, nhằm lúc bầy heo cũng lăn ra ốm và chết. Đã nghĩ năm anh em sẽ có chừng hai đứa phải nghỉ học, bữa cơm gia đình u ám đến nặng nề. Thế rồi bố mẹ cũng vay mượn đâu đó để gầy lại bầy heo. Rồi hai năm sau tôi vào đại học. Năm 2 đại học, tết về, vẫn xách bao đi hái rau heo.

Hôm giờ, nghe đâu đâu cũng nói chuyện heo mất giá, càng nhớ bầy heo của mẹ đã gắn với suốt thời ấu thơ của mình. Mới cách đây mấy hôm, tìm lại được thằng bạn cũ trên facebook, câu đầu tiên nó nói là: “Bạn hồi đó ngày nào cũng đi hái rau heo ngang rẫy nhà mình...”.

Nguyễn Đức Hiển