Bầu cử và đại diện: Đơn vị bầu cử

- Thứ Sáu, 15/04/2011, 07:20 - Chia sẻ
Chế độ bầu cử của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cơ cấu bằng cách lựa chọn một mô hình đơn vị bầu cử. Theo đó, nghị sỹ được cư dân ở một khu vực lãnh thổ bầu ra để đại diện cho tiếng nói của cử tri khu vực này trong suốt thời gian nhiệm kỳ nghị viện. Điều này nhằm đạt được tính đại diện theo địa bàn; mỗi tỉnh (thành phố) hoặc huyện… được phân bổ số lượng nghị sỹ nhất định và các nghị sỹ được bầu phải chịu trách nhiệm trước cử tri tại vùng của họ.


Thành phần của Nghị viện châu Âu
Việc chọn lựa, phân vạch đơn vị bầu cử trực tiếp quyết định đến nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử. Về nguyên lý, số dân bằng nhau phải được bầu số lượng nghị sỹ bằng nhau. Nếu hai đơn vị bầu cử có số nghị sỹ được bầu bằng nhau, nhưng dân số đơn vị bầu cử khác nhau, thậm chí, đơn vị này lại gấp hai đơn vị bầu cử kia thì rõ ràng, nguyên tắc bình đẳng không được tôn trọng.

Mô hình đơn vị bầu cử quyết định cách thức chuyển hóa từ ý chí của nhân dân thành nghị sỹ trong cơ quan đại diện. Nếu chọn lựa đơn vị bầu cử theo phương pháp tỷ lệ, quyền lực từ nhân dân sẽ chuyển hóa vào các các đảng phái chính trị theo tỷ lệ số phiếu mà các đảng phái chính trị nhận được; nếu chọn đơn vị bầu cử theo phương pháp đa số, quyền lực nhân dân sẽ chuyển hóa cho các ứng cử viên. Về nguyên lý, đơn vị bầu cử áp dụng phương pháp tỷ lệ thường phản ánh sự chuyển hóa chính xác hơn so với phương pháp đa số, nhất là khi ngưỡng quy định tỷ lệ được chuyển thành ghế thấp. Điều này rất quan trọng, bởi nếu thiết kế không hợp lý, rất có thể dẫn đến hiện tượng quyền lực không được trao cho người cần trao.

Ngoài ra, việc chọn lựa mô thức đơn vị bầu cử là một yếu tố rất quan trọng, nó quyết định hiệu quả của sự ủy trị và mối liên hệ giữa cử tri với người đại diện, với chính quyền do họ bầu ra; tác động rất lớn đến tính cạnh tranh, ganh đua giữa các ứng cử viên trong bầu cử. Về nguyên tắc, đơn vị bầu cử một nghị sỹ tạo cơ sở chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn mối liên hệ, trách nhiệm của người nghị sỹ với cử tri so với đơn vị bầu cử nhiều nghị sỹ, tính ganh đua giữa các ứng cử viên quyết liệt hơn. Bởi lẽ, tính đại diện có thực chất hay không liên quan chặt chẽ đến việc cử tri có đích thực là người quyết định người thắng, kẻ thua trong bầu cử.

Để đảm bảo sự độc lập của các nghị sĩ trước các tác động của một địa phương có tính cố kết lâu đời, người ta thường sử dụng biện pháp tạo ra những khu vực bầu cử không trùng khớp với các khu vực hành chính truyền thống. Điều này cũng góp phần tạo ra sự độc lập của nghị sĩ đối với bộ máy hành chính luôn có xu hướng bảo vệ lợi ích của địa phương, tạo sự gắn kết giữa nghị sỹ với cử tri hơn.

Do được bầu từ đơn vị bầu cử, trách nhiệm đại diện của một nghị sỹ là đối với cả đơn vị bầu cử, chứ không chỉ đại diện cho những cử tri cá nhân đã bầu ra nghị sỹ đó. Đây là cách tiếp cận có giới hạn lãnh thổ rõ ràng (hạt bầu cử khác hạt hành chính) và đối tác rõ ràng. Trong quan hệ với đơn vị bầu cử,  nghị sỹ là cầu nối giữa những người dân ở các đơn vị bầu cử khác nhau. Triết lý của cách tiếp cận này là nhằm bảo đảm thực hiện sứ mệnh của nghị sỹ đại diện cho cử tri của vùng, đó là bảo đảm các quyết định của nhà nước (quốc hội và chính phủ) có tính đến ý kiến và lợi ích của công dân cử tri vùng đó trong mối quan hệ cân bằng (về lợi ích và ý kiến) với các công dân ở các vùng khác trong quốc gia.

Lê Anh