Bầu cử và đại diện: Đại diện theo đảng phái chính trị

- Thứ Sáu, 15/04/2011, 07:19 - Chia sẻ
Đại diện theo các đảng phái chính trị là một đặc điểm của nghị viện nhiều nước. Tức là cử tri bỏ phiếu cho các đảng phái chính trị, hoặc cho các cá nhân, nhưng những cá nhân phải gắn với các chính đảng. Về bản chất, đây là bỏ phiếu cho đường lối chính trị (hoặc các hệ tư tưởng khác nhau trong xã hội). Chẳng hạn, để tăng tỷ lệ nữ nghị sỹ trong nghị viện, thì các đảng phái cần có biện pháp để giới thiệu nhiều ứng cử viên của đảng mình là phụ nữ. Mặc dù họ đại diện cho phụ nữ, nhưng họ thuộc một đảng phái chính trị nào đó, chứ ít khi họ đại diện cho phụ nữ với tư cách ứng cử viên độc lập.

Về bản chất, vai trò của các đảng phái chính trị đối với bầu cử liên quan đến việc trả lời câu hỏi: ngoài con người cụ thể, cử tri còn lựa chọn gì trong bầu cử? Một đường lối chính trị, một chính sách phát triển đất nước? Đường lối chính trị, chính sách cai trị phải được thực hiện thông qua những con người cụ thể. Nhưng những con người, những ứng cử viên nếu riêng rẽ, độc lập, không có bộ tham mưu để tổ chức, không có những nguyên tắc chính trị nhất định dẫn dắt, thì họ có thể làm gì cho những người dân đã tin tưởng và trao quyền lực cho họ?

Ở đa số các quốc gia trên thế giới, các đảng phái chính trị rất chú trọng công tác vận động bầu cử, với mục đích là hướng tới nắm giữ quyền lực nhà nước và lấy đó làm công cụ để thực hiện mục đích, lý tưởng của mình. Các đảng phái chính trị giới thiệu ứng cử viên, tham gia vận động tranh cử và xây dựng chính sách, kế hoạch hành động cho các ứng cử viên của đảng phái mình. Khi cử tri đi bỏ phiếu, họ lựa chọn không những cá nhân người đại diện, mà đồng thời họ còn lựa chọn đường hướng chính trị của người đại diện.

Hệ thống theo đảng còn tránh được việc các cử tri có thể gây sức ép thái quá tới cá nhân từng nghị sỹ. Lúc đó, các cử tri sẽ lựa chọn người đại diện thông qua việc lựa chọn giữa các đảng chính trị với nhau, hay các đường lối, chính sách của đảng khác nhau. Những đường lối, chính sách đó mang tính quốc gia chứ không phải chỉ để phục vụ một địa phương. Nhưng không phải vì vậy mà mối liên hệ giữa các cử tri và nghị sỹ bị mất đi. Các nghị sỹ, và đặc biệt là các đảng chính trị của họ, vẫn có nhu cầu và động lực để duy trì tốt mối quan hệ với cử tri bởi vì dù sao đi nữa chính các cử tri, với các lá phiếu của mình, sẽ quyết định ai là người thắng cử trong cuộc bầu cử kế tiếp.

Minh Thy