Bầu cử và đại diện: Cái khó của đại diện

- Thứ Sáu, 15/04/2011, 07:19 - Chia sẻ
Khác với dân chủ trực tiếp, trong nền dân chủ đại diện, cử tri bầu những người đại diện cho mình vào nghị viện, rồi ở đó trước hết các nghị sỹ sẽ phải lên tiếng về những chuyện mà cử tri quan tâm. Có nhiều lý do nghị viện phải là cơ quan có tính đại diện cao.

 
Đại diện theo lãnh thổ
Trước hết, nghị viện là biểu tượng phản ánh những lợi ích đa dạng khác nhau trong xã hội, cho nên các nhóm người trong xã hội phải có tiếng nói trong cơ quan này. Nếu không, trong mắt của những nhóm người không được dự phần trong nghị viện, tính chính đáng của chính quyền không còn nữa. Hơn nữa, nếu nghị viện đại diện cho nhiều quyền lợi khác nhau, các chính sách, pháp luật được ban hành sẽ phản ánh được những quyền lợi đó, nhất là của các nhóm yếu thế hơn như phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, người nghèo.

Như vậy, hệ thống bầu cử phải là nơi đầu tiên cần được thiết kế làm sao để tăng cường tính đại diện của nghị viện. Xây dựng và thực thi một chế độ bầu cử tiến bộ, công bằng và hợp lý để các cơ cấu xã hội, nhất là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương có tiếng nói trong các thiết chế dân cử là phương thức quan trọng để đạt mục tiêu này.

Nghị viện của hầu hết các nước trên thế giới là sản phẩm của bầu cử, nên điều này liên quan đến tiêu chí thiết kế chế độ bầu cử. Về bản chất, bầu cử là con đường kiến thiết chế độ đại diện, do đó, chế độ bầu cử cần được thiết kế sao cho kết quả bầu cử phải phản ánh hợp lý tính đại diện. Kết quả bầu cử trong một cuộc bầu cử dân chủ là yếu tố quyết định chính xác về tính đại diện. Đối với Nghị viện, một cơ quan gồm nhiều đại biểu có chức năng xác lập ý chí, tính đại diện lại cần phản chiếu hợp lý tính đa dạng của cấu trúc xã hội.

Tuy nhiên, nghị sỹ đại diện cho ai? Cho cử tri nơi được bầu? Cho địa phương? Hay lợi ích của quốc gia? Về mặt lý thuyết, các nghị sỹ, đặc biệt là các hạ nghị sỹ, thường được xác định là đại diện cho toàn quốc gia bởi vì nhiệm vụ quan trọng nhất của nghị viện, với tư cách là một chủ thể thống nhất, là ban hành các quyết định liên quan đến các vấn đề của toàn quốc gia chứ không phải là các vấn đề của một địa phương hay của một cá nhân nào đó. Một chính khách, nghị sỹ nước ngoài từng nói: “Quốc hội là cuộc đại nghị quốc gia, với một lợi ích gần như duy nhất - lợi ích quốc gia, nơi mà không một mục tiêu địa phương nào, không một thành kiến địa phương nào được phép chi phối. Ở đó chỉ có lợi ích chung, bắt nguồn từ lý trí chung của toàn quốc gia”.

Nhưng nghị sỹ không chỉ xây dựng chính sách vì lợi ích quốc gia, mà còn làm việc như những sứ giả đại diện cho khu vực bầu cử và địa phương mình. Có một thực tế là thông qua cơ chế bầu cử, chính các cử tri mới thường là người quyết định khả năng tái cử của các nghị sỹ. Trong khi đó, các cử tri lại ít khi quan tâm tới thành quả chung mà nghị viện đã tạo ra với tư cách là một thể chế. Yếu tố quan trọng để vượt qua các kỳ bầu cử là sự ủng hộ của các cử tri do nghị sỹ có thể thu nhận được được thông qua các hoạt động mang tính cá nhân của mình. Hơn nữa, tâm lý thông thường của cử tri là muốn các nghị sỹ quan tâm nhiều đến đòi hỏi, mong muốn của họ, hơn là làm theo những gì nghị sỹ cho rằng tốt nhất cho quốc gia.

Chính vì vậy, các nghị sỹ luôn phải ở trong thế tiến thoái lưỡng nan khi gặp phải các vấn đề có mâu thuẫn giữa lợi ích của địa phương và trung ương. Đây chính là cái khó của đại diện do lá phiếu của cử tri tạo ra. Dung hoà lợi ích của cử tri, của địa phương và của quốc gia luôn là một nghệ thuật đối với các nghị sỹ. Mà đã là nghệ thuật thì thường là mờ ảo, khó định hình, nhưng các vị dân biểu vẫn phải làm.

Nguyên Lâm