Bầu cử tự do và công bằng : Trách nhiệm của nhà nước

- Thứ Sáu, 22/04/2011, 08:08 - Chia sẻ
Để cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng, nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Sau đây là những yêu cầu đối với nhà nước trong bầu cử ở nhiều nước trên thế giới.

Thứ nhất, Nhà nước phải có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp lập pháp và những biện pháp khác để đảm bảo các quyền và khuôn khổ thể chế cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng theo luật quốc tế. Cụ thể là: thiết lập quy trình đăng ký cử tri hiệu quả, khách quan, không phân biệt đối xử; thiết lập những tiêu chí rõ ràng về đăng ký cử tri, ví dụ như độ tuổi, công dân, nơi cư trú và đảm bảo rằng, những quy định đó được áp dụng không phân biệt; quy định về việc thành lập và tự do hoạt động của các chính đảng, quy định về gây quỹ cho các đảng và tranh cử, đảm bảo sự tách biệt giữa nhà nước và đảng phái, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng trong bầu cử giữa các đảng; thúc đẩy các chương trình quốc gia về giáo dục công dân để họ làm quen với các vấn đề và quy trình bầu cử.

Thứ hai, Nhà nước cần có những bước đi cần thiết về chính sách và thể chế nhằm đạt được các mục tiêu dân chủ, trong đó có cả thông qua việc thiết lập một cơ chế vận hành bầu cử cân bằng, trung lập, khách quan. Để làm điều này, nhà nước phải:

- Đảm bảo rằng, những người tham gia tổ chức bầu cử phải được tập huấn và hành động một cách khách quan; các quy trình bầu cử nhất quán phải được thiết lập và phổ biến cho nhân dân;

- Đảm bảo việc đăng ký cử tri, cập nhật các quy trình, thủ tục bầu cử;

- Khuyến khích các đảng, ứng cử viên và báo chí thừa nhận Bộ quy tắc ứng xử trong quá trình vận động tranh cử và bỏ phiếu;

- Đảm bảo sự trung thực trong bỏ phiếu bằng cách tiến hành những biện pháp ngăn chặn bỏ phiếu nhiều lần hoặc bỏ phiếu thay bất hợp pháp;

- Áp dụng những biện pháp cần thiết để đảm bảo nguyên tắc bỏ phiếu kín, cử tri được bỏ phiếu một cách tự do, không sợ bị gây áp lực;

- Đảm bảo sự trung thực khi kiểm phiếu. Các cơ quan có thẩm quyền cần có những biện pháp ngăn ngừa gian lận phiếu hoặc những hành động bất hợp pháp khác; việc kiểm phiếu phải do những người đã được tập huấn tiến hành, diễn ra dưới sự giám sát khách quan.

- Đảm bảo sự minh bạch trong suốt quá trình bầu cử, ví dụ các đảng và ứng cử viên phải có kế toán, phải có quan sát viên…

Thứ ba, Nhà nước phải tôn trọng và đảm bảo các quyền con người của các cá nhân trên lãnh thổ và thẩm quyền của mình. Nhà nước và các cơ quan nhà nước phải:

- Đảm bảo tự do đi lại, hội họp, thể hiện quan điểm, ví dụ trong các cuộc diễu hành, mitinh;

- Tạo điều kiện cho các ứng viên và các đảng tự do truyền đạt các quan điểm của mình tới cử tri, bình đẳng trong việc tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước;

- Đảm bảo các nội dung phi đảng phái được đưa lên báo chí.

Thứ tư, nhà nước phải đảm bảo rằng, mọi ứng cử viên được tạo điều kiện thích hợp để trình bày về chương trình hành động của mình.

Thứ năm, các ứng cử viên cũng như những người ủng hộ phải được hưởng an toàn như nhau; các cơ quan có thẩm quyền phải có những biện pháp ngăn ngừa bạo lực trong bầu cử.

Thứ sáu, nhà nước phải thiết lập cơ chế giải quyết khiếu kiện về những vi phạm trong bầu cử một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả bởi một cơ quan độc lập, khách quan như ủy ban bầu cử hoặc tòa án.

Minh Thy