Bầu cử tự do và công bằng : Quyền bầu cử của công dân chỉ được bảo đảm khi bầu cử dân chủ

- Thứ Sáu, 22/04/2011, 08:08 - Chia sẻ
Một trong những tiền đề làm cho cuộc bầu cử thực sự tự do và công bằng là bảo đảm quyền bầu cử của công dân. Hiểu theo nghĩa rộng, đây vừa là quyền bầu cử, vừa là quyền đề cử, ứng cử. Quyền bầu cử chỉ thực sự có ý nghĩa nếu bầu cử được tiến hành dân chủ, không áp đặt, không hình thức, giả dối, tự do và công bằng.

Poster tranh cử của Đảng FNP tại Lebanon năm 2009 nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia bỏ phiếu
Nguồn: Demotix

Pháp luật các nước quy định, để có được quyền bầu cử, công dân phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản về độ tuổi và quốc tịch. Ở hầu hết các nước, công dân phải đạt tới một độ tuổi nhất định mới có quyền bầu cử hoặc ứng cử. Quyền bầu cử áp dụng cho công dân mang quốc tịch của nước sở tại. Các công dân này dù có sống ở nước ngoài, như cư dân Nga, Đức và Italia, cũng được tạo điều kiện tham gia bầu cử. Tuy vậy, pháp luật của một số nước hạn chế những công dân mới gia nhập quốc tịch thì không có quyền bầu cử. Ví dụ, công dân nhập quốc tịch Achentina phải sau 3 năm mới có quyền bầu cử. Trong khi đó, ở một số nước, công dân không mang quốc tịch nước sở tại cũng có quyền bầu cử như ở New Zealand chỉ cần cư trú có đăng ký 12 tháng là có quyền bầu cử.

Ngoài ra, pháp luật bầu cử của hầu hết các nước đều quy định công dân phải sống tại một nơi trong một thời gian nhất định mới có quyền bầu cử. Điều kiện cư trú là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng tới quyền bầu cử của công dân, bởi vậy tác động rõ rệt tới kết quả bầu cử, nhất là trong các nước đang phát triển. Ngày nay để đảm bảo quyền phổ thông bầu cử của công dân, để thích nghi với các điều kiện sinh hoạt của công dân, pháp luật bầu cử của nhiều nước thường không có các quy định bắt buộc về điều kiện cư trú của cử tri.

Pháp luật bầu cử của một số nước hạn chế quyền bầu cử như: những người bị tước quyền làm cha, làm mẹ ở Hà Lan không có quyền bầu cử; những công dân Mêhicô sử dụng thuốc phiện không có quyền bầu cử; công dân Thái Lan không biết chữ không có quyền bầu cử; công dân Libêria phải đóng thuế nhà ở mới có quyền bầu cử.

Các quy định trên nếu áp dụng một cách quá khắt khe có thể vi phạm quyền bầu cử của công dân. Một nguyên tắc chung ở đây là, chỉ có thể giới hạn quyền bầu cử của công dân một cách hợp pháp, nhà nước phải có những biện pháp bảo đảm rằng, mọi cá nhân đã có quyền bầu cử thì phải được thực thi quyền đó. Chẳng hạn, Tòa án châu Âu về quyền con người đã nhiều lần tuyên rằng, mặc dù quyền bầu cử của cá nhân không phải là quyền tuyệt đối, nhà nước có thể giới hạn nó, nhưng không được quá mức, không quá cứng nhắc, làm lệch lạc bản chất và giảm hiệu lực của quyền.

Năm 2005, trong vụ Bruno Py kiện nước Pháp, Tòa này đã nhận định, không được áp dụng điều kiện về nơi cư trú hoặc thời gian cư trú để tùy tiện hạn chế quyền bỏ phiếu của công dân. Còn trong vụ Melnychenko kiện Ukraine, nguyên đơn là một người dân tị nạn ở Ukraina đã đăng ký cư trú hợp lệ ở Ukraine, nhưng Ủy ban bầu cử từ chối, không chấp nhận ông này ra ứng cử nghị sỹ Quốc hội vì cư trú ở Ukraine chưa đủ 5 năm. Ông đã kiện ra Tòa án châu Âu với lý do quyền ứng cử của ông bị xâm phạm. Tòa này cho rằng, có thể áp dụng các điều kiện cư trú khắt khe hơn đối với quyền ứng cử; phải có thời hạn cư trú 5 năm mới được ứng cử vào nghị viện là hợp lý, vì tạo điều kiện cho các ứng cử viên nắm được những thông tin cần thiết về các vấn đề mà nghị viện phải giải quyết.

Hoài Thu