Bầu cử tự do và công bằng : Khởi nguồn của xung đột hay giải pháp cho xung đột?

- Thứ Sáu, 22/04/2011, 08:08 - Chia sẻ
Trong vài thập niên gần đây, bầu cử là vấn đề trung tâm trong quá trình dân chủ hóa, xây dựng nhà nước mới ở các nước hậu xung đột. Bạo lực xảy ra trong bầu cử ở các nước như Iraq, Afghanistan, Kenya, Zimbabwe khiến người ta phải đặt câu hỏi, bầu cử có thật sự giảm thiểu rủi ro xung đột, hay tiềm ẩn rủi ro nội chiến. Tuy nhiên, bầu cử hậu xung đột ở các nước khác như Namibia, Campuchia, Nam Phi, Mozambique, El Salvador, Đông Timor lại là những câu chuyện thành công.

Poster tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp Kyrgyzstan hậu xung đột năm 2010

Hai hiện tượng trái ngược nhau này dẫn đến nhận xét, bầu cử tiềm ẩn xung đột, bởi lẽ bầu cử là cuộc đua tới quyền lực. Thế nhưng, nếu được tiến hành công bằng, minh bạch, bầu cử là thành tố trung tâm của một hệ thống dân chủ. Ngược lại, khi quá trình bầu cử diễn ra không công bằng, không minh bạch, đó là cơ hội “đục nước béo cò” cho các bên lợi dụng, từ bỏ luật chơi đã được thỏa thuận, biến nó thành chiến thuật để tác động lên quá trình và kết quả bầu cử, dẫn đến xung đột, bạo lực.

Như vậy, trong bối cảnh các nước hậu xung đột, hậu chiến tranh, điều tối quan trọng là quá trình bầu cử phải diễn ra dưới những quy tắc công bằng, minh bạch, rõ ràng, để thậm chí các bên thua trong cuộc đua bầu cử cũng chấp nhận. Nếu không, họ có thể tiếp tục cuộc đua tranh bằng những phương thức khác như bạo lực, và vòng xoáy xung đột lại diễn ra.

Thực tiễn ở một số nước cho thấy, bầu cử tự do và công bằng đã giúp cho quá trình chuyển đổi từ xung đột sang dân chủ diễn ra thành công. Chẳng hạn, cuộc bầu cử năm 1994 ở Mozambique dưới sự giám sát của LHQ đã diễn ra thành công, làm tiền đề cho các cuộc bầu cử sau này vào 1999, 2004 và 2009.

Một ví dụ quan trọng khác là cuộc bầu cử ở Namibia năm 1989 cũng dưới sự giám sát của LHQ dẫn đến việc ban hành Hiến pháp mới. LHQ đã xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí rộng hơn về một cuộc bầu cử tự do và công bằng cho Nammibia lúc đó. Các tiêu chí này vượt ra ngoài khuôn khổ kỹ thuật  khá hạn hẹp về bầu cử tự do và công bằng vốn chỉ tập trung vào việc bỏ phiếu. Chúng nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra trong một môi trường tự do với những quy tắc công bằng. Sau cuộc bầu cử năm 1989, Nammibia đã tổ chức thành công các cuộc bầu cử tiếp theo sau này.

Bầu cử năm 1994 ở Nam Phi là một ví dụ điển hình. Đây là cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi, kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc, thiết lập chế độ dân chủ. Một loạt thiết chế được thành lập như Hội đồng Hành pháp chuyển đổi (TEC) được trao thẩm quyền tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các đảng tham gia tranh cử. Các rào cản pháp lý được dỡ bỏ đối với quyền tự do hội họp, tạo điều kiện cho quá trình tranh cử tự do và cởi mở. Cục truyền thông độc lập ra đời từ một đạo luật của nghị viện nhằm tạo điều kiện cho báo chí tự do hoạt động – một yếu tố quan trọng của bầu cử công bằng. Nhất là Ủy ban bầu cử độc lập (IEC) đã được thành lập để giám sát và vận hành quá trình bầu cử. Ủy ban có 16 thành viên gồm những nhân vật được kính trọng ở Nam Phi, cũng như một số chuyên gia về quyền con người có uy tín trên thế giới.

Kinh nghiệm ở các nước hậu xung đột cho thấy, cần chú ý đến bối cảnh và những điều kiện đặc thù của từng nước để có sự thiết kế, tiến hành và đánh giá bầu cử một cách thích hợp. Để cuộc bầu cử hậu xung đột diễn ra thành công, một cách hòa bình, cần có khung pháp lý và thể chế hiệu quả, tự do, cũng như các quy trình, thủ tục chặt chẽ, công bằng. Đặc biệt, cuộc bầu cử tự do và công bằng mới chỉ là một trong những điểm khởi đầu cho chặng đường xây dựng dân chủ, phát triển đất nước ở các quốc gia đó.

Nguyên Lâm