Chính sách và cuộc sống

Bắt trúng lòng dân

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:01 - Chia sẻ
Bàn Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các ĐBQH không chỉ phân tích mổ xẻ thực trạng bức tranh đời sống đồng bào các dân tộc hiện nay, mà còn hiến nhiều kế sách, giải pháp hay.

Đất nước trên đà phát triển, nhưng nơi cư trú của gần 14 triệu đồng bào dân tộc đang sống ở các vùng núi xa nẻo còn nhiều khó khăn. Đó là nơi khó khăn nhất, nơi còn nhiều gia đình nghèo khó nhất, nơi “lõi nghèo” của cả nước, nơi y tế, giáo dục còn khoảng xa nhất so với mặt bằng chung cả nước. Nơi nhiều “cái nhất” với nhiều cam go, gian nan ấy, cũng là nơi luôn được Đảng, Nhà nước dành nhiều chính sách nhất!

Rõ ràng gần 14 triệu đồng bào còn khó khăn cần những đề án, đầu tư xứng đáng để vượt lên theo kịp khát vọng, bước đi của cả nước. Mới thấy chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi không thiếu, nhưng những chính sách ấy còn dàn trải chăng? Liệu những “thiết kế” chính sách của các bộ ngành đã theo kịp đời sống, yêu cầu của đồng bào các dân tộc miền núi chưa?

Nhìn về các tỉnh miền núi là nhìn về giao thông khó khăn, nhìn về nơi giáo dục, y tế đất nước còn chưa lo toan đủ đầy. Nhìn về nếp sống văn hóa của người miền núi, vùng đồng bào các dân tộc với những cung bậc không ít nỗi niềm. Chỉ một hình ảnh những thầy cô cắm bản “gieo con chữ” ở những nơi này không bao giờ có cảm giác nhận hoa, nhận quà của ngày 20.11 như thầy cô ở miền xuôi, nhưng vẫn hết lòng dạy dỗ con em đồng bào. Nhiều thầy cô hy sinh cả hạnh phúc cá nhân, tuổi xuân cống hiến cho nơi rẻo cao, rừng vắng!

Hãy nhìn xem dọc sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy… dọc các cánh rừng Tây Nguyên, men theo những cù lao miền Tây Nam bộ, hay những dải đất rừng biên cương, người miền núi đồng bào dân tộc đi lại thế nào, đang sống thế nào?

Nhiều gia đình còn không có cả ti vi để xem thời sự, xem đất nước đổi thay hàng ngày. Có hay lũ quét, lũ ống có năm nào chịu buông tha; đồng bào vẫn là lực lượng yếu thế trước thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu. Đất nước thừa gạo xuất khẩu, nhưng nhiều nơi cô bác vẫn ăn mì, ăn khoai thì các cấp chính quyền nghĩ sao? Đừng đổ lỗi cho đường sá giao thông miền núi hiểm trở, mà không có cách tháo gỡ nghịch lý này? Nhìn về những lớp dạy nghề nhiều nơi mở ra rất hình thức mà chẳng hay người dân tộc đang cần nghề gì và học xong có việc làm không? Trong đạo quân xe ôm Grab “áo xanh” đầy đường Thủ đô kia, chẳng thiếu những thanh niên dân tộc miền núi từ Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang… đầu quân. Trong các nhà hàng, quán xá chẳng thiếu các cô gái dân tộc kéo về mưu sinh, tìm cơ hội đổi đời.

Trong thời hội nhập kinh tế thị trường, người miền núi cũng năng động hẳn lên. Nhưng không thể không chút chạnh lòng cho những vụ việc mua bán người đang làm nháo nhác các bản làng xa nẻo. Rõ ràng dân trí của đồng bào miền núi còn đó những hạn chế, những khoảng trống mà chính sách chưa kịp “thiết kế” chăng? Nhiều nơi đồng bào thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nhưng các ngân hàng đã mạnh dạn cho đồng bào vay chưa, hay vẫn còn nặng nề cái tâm thế sợ mất vốn? Nhìn rõ hơn nhiều gia đình cô bác nơi xa nẻo còn thiếu cả đất canh tác, đất ở, thì chính sách đất đai nơi đồng bào dân tộc sẽ phải hoạch định thế nào? Làm sao để gùi kiến thức, khoa học kỹ thuật lên non, làm sao để Cách mạng 4.0 lan tỏa khắp núi đồi?

Chuyện bữa “cơm có thịt”, trông chờ vào sự hảo tâm của những tấm lòng thơm thảo trong cộng đồng, chỉ là giải pháp tình thế. Cần hơn là một chính sách cho có bài có bản để người miền núi đủ sức vượt lên. Các bộ ngành hãy rời xa công sở đến với nơi rừng sâu núi cao, mới biết các chính sách cho cô bác đồng bào phải xây dựng thế nào. Làm chính sách phải hiểu chính sách ấy có đi vào cuộc sống hay không? Với chính sách dành cho đồng bào các dân tộc còn đủ khó khăn cam go như hiện nay, càng phải hiểu cô bác đồng bào dân tộc đang cần gì, mong gì từ Nhà nước?

Lúc này, trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu rốt ráo đặt ra yêu cầu phải trao “cần câu” tốt, và chỉ rõ cho đồng bào “câu cá gì, câu như thế nào”. Điều không kém phần quan trọng, phải tạo dựng cho đồng bào niềm tin vào hiệu quả các chính sách một cách thực chất. Đất nước tăng trưởng đổi mới không chỉ nhìn về các đô thị với những cao ốc chọc trời, không chỉ nhìn về những cao tốc, cây cầu hiện đại đẹp tựa dáng rồng bay, mà phải nhìn về những vùng núi rừng xa nẻo, những tiền đồn, phên dậu quốc gia, nơi đồng bào các dân tộc còn khó trăm bề.

Miền núi đang lên tiếng gọi cả nước!

Đăng Quang