Tản mạn

Bắt đầu từ việc nhỏ

- Thứ Bảy, 19/10/2019, 07:34 - Chia sẻ
Vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và nước sông Đà nhiễm bẩn thêm lần nữa cảnh tỉnh tới mỗi chúng ta ý thức về chất lượng sống, về môi trường và quyền bảo vệ sự sống ấy...

Khi mất/hoặc đối diện với nguy cơ mất (tiếng miền trong gọi là cúp) nước, mới thật sự thấm ý nghĩa câu khẩu hiệu lâu nay vẫn được treo ngoài đường mà ít ai để ý: “Nước là máu của sự sống”. 

Nhưng vì lâu nay nước sinh hoạt rẻ quá, không tăng giá luỹ tiến như điện, nên người dùng coi thường, không quý nó và cũng ít quan tâm tới chất lượng của nó. Cho tới khi nó bốc mùi và có thể nhìn thấy độ bẩn bằng mắt thường (!).

Ta có thể không uống, không nấu ăn bằng thứ nước bẩn-nhìn-ngửi-thấy ấy. Ta có thể mua nước đóng chai về dùng. Nhưng còn sự sống xung quanh, cây cối, rau cỏ, đất đai cho tới các loài sinh vật khác? Bởi vậy làm gì có cái gọi là “rau sạch”, “thịt sạch”, “thực phẩm sạch”, nếu nguồn nước không được kiểm soát, không thực sự sạch. Và điều này diễn ra hàng ngày, hàng giờ, không đợi tới khi xảy ra vụ nước sông Đà nhiễm bẩn. Bệnh từ “máu” rồi, thì mọi bộ phận, mọi tế bào trong cơ thể đều theo nhau mà nhiễm hết. Nó cũng như căn bệnh dối trá, vô trách nhiệm của một số vị làm quản lý các cơ quan hữu quan và sự im lìm vô cảm của cái gọi là tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. 

Có câu “trong họa có phúc”, “phúc” trong vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và nước sông Đà nhiễm bẩn là gì, nếu không phải hồi chuông cảnh tỉnh tới mỗi chúng ta ý thức về chất lượng sống, về môi trường và quyền bảo vệ sự sống ấy. Mọi người bắt đầu theo dõi kỹ hơn các chỉ số không khí, tự sắm máy móc kiểm tra tại nhà. Giờ đây, các chỉ số nước và các loại chỉ số khác nữa liên quan tới chất lượng sống cũng sẽ phải được chính người tiêu dùng giám sát, thực hiện đúng khẩu hiệu: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân kiểm tra... Năm ngoái, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 152/231, Hà Nội 155/231 thành phố trên thế giới theo bảng xếp hạng chất lượng sống của công ty tư vấn Mercer, tụt hạng so với năm trước đó. Với “thảm họa kép” Rạng Đông và Sông Đà, năm nay Hà Nội khéo có khi còn sau cả Vientiane của Lào (năm 2018, Vientiane xếp thứ 170/231).

Kể mà ở ta có những Erin Brockovich - Hoa hậu bờ biển Thái Bình Dương từng tháo bỏ vương miện để lao vào cuộc chiến pháp lý đưa Công ty Điện & Khí đốt Thái Bình Dương (Mỹ) ra tòa vì gây ô nhiễm môi trường (câu chuyện này được “người đàn bà đẹp” Julia Robert “kể lại” trong bộ phim cùng tên). Hay  các ngôi sao V-biz có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng có thể trở thành những Leonardo Di Caprio - người bỏ nhiều năm và nhiều triệu đô la từ tiền túi của mình cho những dự án làm phim về môi trường, trong đó “Before the Flood” là một thông điệp sống động tuyệt vời, người đã biến khoảnh khắc trên sân khấu nhận giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh thành những phút truyền đi thông điệp về biến đổi khí hậu...

Và trong lúc ngồi mơ người nổi tiếng hành động thì tự bản thân mỗi chúng ta thiết nghĩ cũng nên bắt đầu bằng các việc nhỏ: Biết quý trọng và sử dụng có ý thức “máu-của-sự-sống”; học các nước phát triển bài toán: Không chỉ trả tiền nước dùng mà còn (coi như) trả cả tiền nước thải. Đó là lý do tôi thường rửa rau bằng chậu và dùng nước rửa không xà phòng để tưới cây, không còn tắm bồn, cũng không mở vòi xả láng. Nhìn thấy ai dùng nước xả láng, thực sự, tôi khá là xót ruột và ác cảm. Thiếu nước, đặc biệt là nước sạch, xét cho cùng, chính là bắt nguồn phần nhiều từ việc thiếu ý thức mà ra!

Thủy Phạm