Chính sách và cuộc sống

Bắt đầu từ con người

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:17 - Chia sẻ
Bộ máy cồng kềnh, công chức quá đông chính là rào cản đang làm cho bộ máy nhà nước thêm nặng nề; trong khi vẫn thiếu công chức, viên chức chuyên nghiệp, am tường trên mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội. Bên cạnh những cán bộ thực thi có trách nhiệm thì cũng còn không ít chuyện buồn về những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp, tham nhũng, lãng phí. Thế nên, những chất vấn của các ĐBQH với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trên nghị trường Quốc hội hôm nay sẽ là những tiếng nói từ cử tri khắp các vùng, mang sức nóng từ thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hàng ngày trên cả nước.

Chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất sáng và trúng thực tiễn nóng bỏng. Nhưng tổ chức triển khai thế nào lại nhìn vào đội ngũ của ngành nội vụ đã thật sự chuyển động, thật sự “lột xác” trong cách nghĩ, cách làm chưa? Vì sao nói thi tuyển công chức công khai mà những tiêu cực, kiện cáo trong thi tuyển công chức nơi này, nơi kia vẫn “xì ra” những chuyện buồn lòng? Nói chọn người giỏi người tài nhưng nhìn về vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La lại thấy lo. Bỏ bạc tỷ ra để chạy nâng điểm, khi ra trường hành nghề, người ta sẽ nghĩ đủ cách để thu hồi tiền đã bỏ ra. Tham nhũng tiêu cực, đạo đức công chức tha hóa từ đó chứ đâu xa!

“Tư lệnh” ngành nội vụ cần lắng nghe từ trong “ruột gan” những vụ việc tiêu cực, dư luận bức xúc ấy mới có thể có quyết sách trúng để xây dựng cho đất nước một đội ngũ công chức tử tế, chuyên nghiệp.

 Làm nội vụ chính là tham mưu thiết kế bộ máy, là lo biên chế nhân sự, là chọn tuyển người cho từng bộ máy. Đó chính là làm khoa học về con người. Trách nhiệm của “tư lệnh” ngành nội vụ thì không thể chạy theo những vụ việc, những bất cập nơi này nơi kia để xử lý theo kiểu tình thế, tình huống được. Phải rà soát lại quy trình tuyển dụng công chức, quy trình đề bạt cán bộ từng cấp, từng ngành đã chặt chẽ chưa? Cử tri cả nước không khỏi băn khoăn về một bộ phận không nhỏ công chức đạo đức xuống cấp; nó cũng là căn nguyên của tình trạng “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Trả lời thế nào khi dư luận đặt thẳng câu hỏi với các cục, vụ đến ban, ngành, tỉnh, thành phố, cho đến cả cán bộ cấp xã, phường cũng còn đang đủ cách kiếm cớ hành doanh nghiệp và sách nhiễu với người dân?

Ngay khi Quốc hội đang họp, thì dư luận lại ồn ã vụ cán bộ hộ tịch ở Đà Nẵng hành dân khi làm thủ tục đổi tên cho con. Đi lại nhiều lần, mỗi lần lại nói thiếu giấy này, giấy kia, sao người dân có thể chịu thấu? Chuyện nhỏ, nhưng không còn nhỏ nữa với một cán bộ cấp phường mà tắc trách như thế, hỏi người dân sao không bất bình? Những chuyện lớn hơn ở tầm cao hơn là cả cách làm việc của cán bộ các bộ, ngành đã thực sự vì dân, vì nước chưa? Những vụ việc “nước sôi lửa bỏng”, mà cứ để dân và doanh nghiệp ngửa cổ chờ đợi, thì đạo đức, trách nhiệm công chức ở đâu. Liệu còn tâm thế “dân cần nhưng quan chưa vội, dân muốn vội dân lội dân sang” trong một bộ phận công chức ngày nay hay không? Không thể không suy nghĩ về việc có lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành phải “đeo bám” các cơ quan Trung ương để “trình” cái này, xin ý kiến cái kia, nghe chẳng thể lọt tai? Tại sao các bộ, ngành không coi những vấn đề nóng, bức xúc của các tỉnh thành như việc của mình? Tại sao các “công bộc” của các bộ, ngành không chịu xuống thẳng các địa phương để xử lý ngay những vấn đề nóng phát sinh? Rõ ràng tác phong công tác của chính các bộ, các ngành phải quyết liệt đổi mới đi. Đã đến lúc phải thực hiện quy chế từ chức, nếu không còn uy tín và không am tường lĩnh vực và nhiệm vụ được trao. Phải coi việc từ chức là chuyện bình thường như các nước.

Thiết kế bộ máy từ các bộ, ngành cho đến chính quyền các cấp phải tính đến gọn nhẹ, nhưng tinh thông. Xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử phải có đội ngũ công chức điện tử. Chọn người tuyển người, xếp đúng vị trí là cả một khoa học và tầm nhìn xa rộng về con  người, về nguồn lực hôm nay và tương lai. Nóng với tinh giản biên chế, với sáp nhập các đơn vị cho bộ máy nhẹ gọn, càng nóng hơn mối lo tuyển chọn công chức thế nào cho xứng tầm để phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đó chính là những vấn đề cốt lõi cử tri đặt ra với “tư lệnh” ngành nội vụ.

Đăng Quang