Bạn đọc viết

Bất cập và lãng phí

- Thứ Sáu, 29/12/2017, 08:45 - Chia sẻ
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) thì Cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng và quản lý tại Trung tâm lý LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) và tại Sở Tư pháp. Cụ thể, Trung tâm LLTP quốc gia có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước; Sở Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, hiện Cơ sở dữ liệu này được xây dựng, vận hành và quản lý theo hai cấp tại Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp. Điều này, không chỉ bộc lộ sự bất cập, mà còn lãng phí nguồn lực.

Thực tiễn 7 năm thực hiện Luật LLTP cho thấy, hầu hết các địa phương gặp vướng mắc trong công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP đều đưa ra những lý do liên quan đến việc bố trí biên chế, kinh phí... cho việc xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu. Như vậy, cùng một điều kiện hoàn cảnh có nhiều điểm tương đồng nhưng việc tổ chức thực hiện tại các địa phương có kết quả khác nhau. Địa phương nào lãnh đạo quan tâm thì kết quả rất khá, còn những địa phương chưa được quan tâm, nhận thức đúng (chính xác là thực hiện theo quy định của Luật) thì chỉ làm cho có hình thức. Một số địa phương đã xuất hiện tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự phối hợp của các cơ quan liên quan (Công an, Tòa án) hoặc các giải pháp từ Bộ chủ quản mà chưa chú trọng vận động, tìm tòi các giải pháp để tích cực xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP của địa phương mình. Cũng không hiếm địa phương có quan điểm, chỉ cần có mối quan hệ tốt với các ngành, nhất là ngành công an thì khi cần cấp phiếu đã có nguồn xác minh từ cơ quan công an. Thậm chí có địa phương đã ký kết quy chế có điều khoản là cơ quan công an tiếp tục xác minh cho đến bao giờ (không có giới hạn) Sở Tư pháp xây dựng được Cơ sở dữ liệu LLTP của mình thì mới thôi hợp tác... Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh văn bản pháp lý nào cũng quy định theo hướng thêm việc, thêm nhiệm vụ cho các sở chuyên môn thì rõ ràng rất khó cho địa phương, nhất là những địa phương còn khó khăn. Nếu thực hiện đúng theo quy định của luật thì lấy nguồn ở đâu, mà không thực hiện thì không được, nên sẽ rơi vào tình trạng “chấp hành hình thức”.

Những khó khăn như ở trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thông tin của các cơ sở dữ liệu. Theo thống kê của Bộ Tư pháp có khoảng 30% số lượng thông tin tồn đọng, chưa được xử lý tại các Sở Tư pháp. Bởi, thiếu sự chủ động của Sở Tư pháp nên các dữ liệu LLTP điện tử được tạo lập vẫn còn có sai sót, thiếu chính xác, nên không thể  tích hợp, chia sẻ thông tin của các cơ quan liên quan. 

Đình Khoa