Bất cập từ thực tiễn

- Thứ Ba, 16/07/2019, 07:29 - Chia sẻ
Ra đời trước khi Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý nhà nước về GDNN, vì thế Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN”đã gặp khó ngay khi triển khai. Đơn cử, kinh phí dành cho toàn bộ Dự án không tăng thêm nhưng số lượng các trường tham gia đã tăng gần gấp đôi. Vì thế, không chỉ riêng Ban Quản lý Dự án mà toàn bộ các trường tham gia vô cùng băn khoăn trước sự chia sẻ nhỏ lẻ này.

Trường tăng - kinh phí không tăng

Như trên đã nói, Dự án ra đời trước khi có sự thống nhất quản lý về mặt Nhà nước các cơ sở GDNN, nên thiết kế ban đầu của Dự án chỉ xây dựng cho các trường thuộc khối dạy nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nay, Dự án phải thực hiện hỗ trợ đầu tư cho cả các trường Cao đẳng, TCCN từ Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển sang. Cụ thể, con số này đã tăng lên gần gấp đôi, từ 271 trường trung cấp, cao đẳng nghề (theo Quyết định 854/QĐ-BLĐTBXH) lên 412 trường (theo Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH), trong khi nguồn kinh phí thực hiện Dự án vẫn giữ nguyên, dẫn đến mức hỗ trợ bị nhỏ, lẻ.


Các đại biểu trao đổi tại hội nghị

Đây là một trong những bất cập chính được đại diện các trường nghề và Ban quản lý Dự án chỉ ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” diễn ra tại Khánh Hòa ngày 15.7. Bất cập này dẫn đến chất lượng thực hiện Dự án cũng như điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo GDNN, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra, danh mục thiết bị, định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia... không cao; tiến độ chậm. Chẳng hạn, việc xây dựng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 53% so với kế hoạch; xây dựng, ban hành các bộ định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo đạt 22% so với kế hoạch; xây dựng, ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đặt 3% so với kế hoạch....

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Dự án/Chương trình không được chủ động trong việc đề xuất phân bổ kinh phí vốn đầu tư của Dự án, việc bố trí kinh phí phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của từng bộ/ngành/địa phương nên không bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án. Trong triển khai thực hiện, kinh phí của Dự án tập trung vào những năm cuối (theo thiết kế dự án trong năm 2020 kinh phí bố trí cho Dự án khoảng 2.740 tỷ đồng chiếm 41% kinh phí của cả Dự án) nên ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các mục tiêu của Dự án. Việc lựa chọn ngành, nghề trọng điểm, dự báo nhu cầu của người học và người sử dụng lao động chưa sát với thực tiễn dẫn đến ngành, nghề trọng điểm được quy hoạch; được đầu tư nhưng ít có học sinh theo học; hoặc học xong không có việc làm...

Thêm vào đó, tư tưởng coi trọng bằng cấp ở một bộ phận xã hội vẫn khá nặng nề; các trường đại học kéo dài thời gian tuyển sinh, hạ thấp điểm trúng tuyển; việc phân luồng học sinh THCS, THPT đi học nghề chưa hiệu quả... làm cho hoạt động của hệ thống GDNN đã khó càng thêm khó.

Các trường hiến kế

Kinh phí hoạt động -  một trong những chủ đề được đại diện các trường bàn thảo sôi nổi nhất tại hội nghị. Theo đó, để có đội ngũ lao động tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thì các trường nghề phải được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ về tất cả các mặt từ xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm; nhất là việc đầu tư đội ngũ giáo viên giảng dạy nói chung và giáo viên các trường sư phạm kỹ thuật nói riêng - những người trực tiếp đào tạo ra các giáo viên trong toàn hệ thống.

Tuy nhiên, để đầu tư một cách đồng bộ như trên trong điều kiện kinh phí hạn hẹp hiện nay, theo đại diện trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Tổng cục GDNN cần phải xây dựng trung tâm dự báo nhu cầu nhà giáo GDNN để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và từng giai đoạn. Về chương trình đào tạo, cần tạo điều kiện cho các trường sư phạm kỹ thuật được tham gia cùng với các trường nghề chất lượng cao trong việc tiếp nhận, chuyển giao các chương trình quốc tế. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên GDNN theo chuẩn quốc tế và khu vực thì nhất thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị phải được đầu tư đáp ứng yêu cầu.

Đại diện trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh đề xuất, huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư theo cấp độ của từng nghề bảo đảm theo các quy định Dự án đã được phê duyệt; đẩy mạnh hợp tác tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Còn đối với Trường trung cấp nghề Nga Sơn - một trường có quy mô tuyển sinh tăng gấp 4 lần sau 5 năm (năm 2014 khoảng 200 HS/năm, hiện tăng lên 800 HS/năm), được thụ hưởng 3 tỷ từ Dự án (năm 2018), với số tiền này chỉ đáp một phần rất nhỏ về cơ sở vật chất cho hai nghề trọng điểm cấp Quốc gia là nghề Hàn và nghề May thời trang. Do đó, theo Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Ngọc Minh,  Bộ, Tổng cục GDNN cần làm trọng tài rà soát việc sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở GDNN khác chưa phát huy hết công suất, điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ nơi ít người học sang nơi có nhiều người học trong thời gian tới nhằm tránh lãng phí thiết bị.

Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho rằng, các trường nên chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để huy động thêm kinh phí hoạt động. Tổng cục GDNN phải sớm thực hiện đánh giá, công nhận trường chất lượng cao; phải xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong hệ thống, có kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho các trường nghề hoạt động hiệu quả…

Đức Kiên