Quy trình xây dựng nghị quyết Hội đồng Nhân dân

Bất cập cần sớm tháo gỡ

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:09 - Chia sẻ
Thực tế, vẫn còn bất cập liên quan đến quy trình xây dựng nghị quyết HĐND mà Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL chưa giải quyết được. Đó chính là: Việc quy định quỹ thời gian để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra; hình thức chuyển tài liệu đến đại biểu. Đối với nghị quyết có nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 27, không phải thực hiện quy trình đề nghị xây dựng nghị quyết; nghị quyết có nội dung quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 27, vẫn thực hiện theo quy trình đã được quy định.

Vẫn thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 27

Theo quy định của Luật 2015, việc xây dựng nghị quyết HĐND tỉnh phải tiến hành theo 2 quy trình: (1) đề nghị xây dựng nghị quyết; và (2) soạn thảo, ban hành nghị quyết. Đối với những nghị quyết có nội dung quy định tại Khoản 2,3,4 Điều 27, trước khi trình Thường trực HĐND tỉnh phải thực hiện các bước theo quy định từ Điều 112 đến Điều 116. Bao gồm: Đánh giá tác động của chính sách; lấy ý kiến về đề nghị xây dựng nghị quyết; thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết; trình UBND xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết.

Hiện nay, Dự thảo Luật Sửa đổi quy định: Chỉ có những nghị quyết có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 27 phải thực hiện theo quy định từ Điều 112 đến Điều 116. Việc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tránh những bước hình thức, không cần thiết là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong thực tế, rất khó phân biệt rạch ròi giữa Khoản 3 và Khoản 4 Điều 27. Cụ thể:


Hội nghị liên tịch thống nhất nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Bình Dương

Khoản 3: Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Khoản 4: Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bởi vì, thực chất, “biện pháp có tính chất đặc thù” thật ra cũng là một biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Một ví dụ cụ thể là: Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2018, HĐND tỉnh Bình Dương ban hành nghị quyết về chế độ hỗ trợ cho Tổ nhân dân tự quản. Nghị quyết này đã được xây dựng theo Khoản 4 Điều 27. Tuy nhiên, nếu xem đây là một biện pháp nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh thì cũng phù hợp, vì hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Từ ví dụ cụ thể này có thể thấy: Nếu theo quy định hiện hành, dù xác định nghị quyết này theo Khoản 3 hay Khoản 4 Điều 27 thì đều phải thực hiện quy định từ Điều 112 đến Điều 116; còn theo dự thảo luật sửa đổi thì việc xác định Khoản 3 hay Khoản 4 sẽ dẫn đến việc thực hiện quy trình rất khác nhau.

Một điểm bất hợp lý khác trong Dự thảo Luật Sửa đổi là: Mặc dù quy định đối với Khoản 2, Khoản 3 Điều 27 không thực hiện quy định từ Điều 112 đến Điều 116 (trong đó có việc đánh giá tác động chính sách). Nhưng ở quy trình tiếp theo - quy trình soạn thảo, ban hành nghị quyết, Dự thảo luật sửa đổi lại quy định phải thực hiện việc đánh giá tác động của chính sách. Như vậy, rõ ràng là việc đánh giá tác động chính sách là cần thiết, do đó, dự thảo luật sửa đổi chỉ chuyển việc đánh giá tác động chính sách từ quy trình (1) sang quy trình (2) mà thôi. Thực tế cho thấy, việc đánh giá tác động chính sách cần được thực hiện ngay từ quy trình (1), vì đây là căn cứ quan trọng để Thường trực HĐND tỉnh xem xét về sự cần thiết xây dựng, ban hành chính sách, từ đó quyết định có chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết hay không.

Đối với những nghị quyết có nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 27 (quy định chi tiết điều khoản điểm được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên): Cả trong quy định hiện hành và dự thảo luật sửa đổi đều quy định phải thực hiện quy trình đề nghị xây dựng nghị quyết. Thực tế, trong trường hợp này, việc thực hiện quy trình đề nghị xây dựng nghị quyết hết sức hình thức. Bởi vì, trong quy trình này, Thường trực HĐND sẽ xem xét chấp thuận hay không chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết trên cơ sở đánh giá về sự cần thiết xây dựng, căn cứ ban hành nghị quyết… Và thực tế, chưa có đề nghị xây dựng nghị quyết nào thuộc Khoản 1 Điều 27 bị Thường trực HĐND không chấp thuận, vì đây là việc thực hiện nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Từ những phân tích trên, nên chăng xem xét sửa đổi quy trình xây dựng nghị quyết QPPPL của HĐND tỉnh theo hướng: Đối với nghị quyết có nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 27, không phải thực hiện quy trình đề nghị xây dựng nghị quyết, UBND tỉnh chỉ cần có công văn gửi Thường trực HĐND tỉnh đăng ký nội dung xây dựng, ban hành nghị quyết và đăng ký thời gian trình HĐND xem xét thông qua, hoặc đưa những nội dung này vào trong Danh mục Nghị quyết HĐND tỉnh quy định chi tiết điều khoản điểm được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên. Đối với nghị quyết có nội dung quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 27: Vẫn thực hiện theo quy trình đã được quy định trong Luật 2015.

Tăng thời gian để Ban HĐND thẩm tra

Theo quy định hiện hành, thời gian để các Ban HĐND thẩm tra dự thảo nghị quyết là quá ngắn, trong khi nội dung, yêu cầu thẩm tra không hề đơn giản, do đó rất khó bảo đảm chất lượng thẩm tra. Mặt khác, tại mỗi kỳ họp HĐND, mỗi Ban có thể thẩm tra cùng một lúc nhiều dự thảo nghị quyết. Với khối lượng công việc và yêu cầu đặt ra cho công tác thẩm tra, việc quy định quỹ thời gian để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra trong Luật 2015 là một bất cập lớn cần phải được giải quyết theo hướng tăng thời gian để Ban HĐND các cấp thực hiện nhiệm vụ thẩm tra. Tuy vậy, Dự thảo Luật Sửa đổi dường như vẫn chưa quan tâm giải quyết bất cập này.

Bên cạnh đó, trong các quy định về thành phần hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi cơ quan tư pháp thẩm định, trình UBND xem xét, gửi Ban HĐND thẩm tra, gửi đến đại biểu HĐND đều có quy định những loại tài liệu phải được gửi bằng bản giấy và tài liệu được gửi bằng bản điện tử. Xu hướng chung hiện nay là thực hiện chủ trương chính phủ điện tử, kỳ họp không giấy, nhiều địa phương, nhiều cơ quan đã thực hiện việc chuyển giao văn bản, giấy tờ qua trục liên thông của phần mềm quản lý văn bản… Tuy nhiên, do vướng quy định này nên mặc dù tất cả tài liệu kỳ họp đều được chuyển trên môi trường điện tử thì một số tài liệu theo quy định vẫn phải gửi đến đại biểu bằng bản giấy. Đây là một vướng mắc cần được Dự thảo Luật sửa đổi tháo gỡ. Nếu việc gửi tài liệu bằng bản giấy thực chất chỉ mang tính hình thức thì nên bãi bỏ để tránh lãng phí, đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay.

Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương