Tản mạn

Bát canh quên

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:54 - Chia sẻ
Mạnh Bà thu giữ từng giọt nước mắt đã chảy vì vui, buồn, đau khổ, yêu thương… của họ lại, nấu thành thứ canh, mà khi uống vào - linh hồn sẽ quên hết sạch cả yêu và hận, cả buồn và vui khi còn sống.

Trong truyền thuyết Trung Hoa, có câu chuyện về cầu Nại Hà - ranh giới cuối cùng của Địa ngục. Vượt qua chiếc cầu này, linh hồn sẽ được đến nơi đầu thai chuyển kiếp. Đi qua cầu Nại Hà, các linh hồn gặp một người đàn bà tên Mạnh Bà và phải uống hết bát canh mà Mạnh Bà đưa. Phần canh này thật ra chính là nước mắt chảy suốt một đời của chính linh hồn khi còn sống. Mạnh Bà thu giữ từng giọt nước mắt đã chảy vì vui, buồn, đau khổ, yêu thương… của họ lại, nấu thành thứ canh, mà khi uống vào - linh hồn sẽ quên hết sạch cả yêu và hận, cả buồn và vui khi còn sống. Sau khi xóa trắng bộ nhớ, linh hồn mới được “cấp phép” chuyển sang kiếp khác. 

Nhưng Mạnh Bà cấp quyền lựa chọn, bà sẽ hỏi “có muốn uống canh không?”. Nếu uống, được qua cầu. Nếu không uống - với ký ức còn nguyên, linh hồn sẽ bị đẩy xuống Vong Xuyên Hà - con sông máu hôi tanh chảy ngay dưới chân cầu Nại Hà. Và họ sẽ phải ở đó, giữa những bọn dã quỷ, đợi suốt 1.000 năm mới được đến lượt đầu thai lại. Hầu như tất cả lập tức uống canh, nhưng vẫn có những kẻ đặc biệt chấp nhận cú đợi kéo dài 1.000 năm để từ chối bát canh quên nấu bằng nước mắt - bởi họ không muốn quên.
Truyền thuyết đương đại tiếp tục phát triển thêm các khảo dị, rằng có những linh hồn phải xa rời dương thế khi đang quá nặng tình, thậm chí có lời hẹn ước với người yêu là sẽ vẫn gắn bó cùng nhau dù là ở kiếp sau. Và để tìm được đúng người yêu dấu, họ phải giữ được ký ức, nên họ đã từ chối uống canh Mạnh Bà mà chấp nhận rơi xuống Vong Xuyên Hà bao đau đớn. Trong nghìn năm đó, từ dưới lòng sông nhìn lên, rồi đến ngày họ thấy linh hồn người yêu dấu đi qua cầu Nại Hà để được chuyển kiếp, nhưng không thể nói chuyện với nhau, bởi người trên cầu không thể nhìn thấy người dưới lòng sông Vong Xuyên. 1.000 năm ấy họ lần lượt chứng kiến nhiều “kiếp khác” của người yêu. Và nếu lòng nhớ nhung không hề giảm đi, khi được quay lại nhân gian, họ sẽ tìm kiếm người mình yêu từ ngàn năm trước để tiếp tục được gắn bó cùng nhau. 

Nhưng thực sự chờ đợi đó quá hên xui, vì 1.000 năm sau có thể xảy ra cả ngàn tình huống: Người yêu dấu đã lãng quên (do quá nhiều lần uống canh Mạnh Bà); người yêu dấu vào đúng thời hạn 1.000 năm lại đang ở kiếp khác hoặc vướng vào nhân duyên khác…

Liệu ngày hôm nay, có ai mang mối ân nghĩa và yêu thương sâu nặng; hay có mối tình đủ lớn lao đến mức sẵn sàng từ chối bát canh của Mạnh Bà?

Quỳnh Hương